Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công nghệ vá trám vết nứt, sửa chữa ổ gà bằng hỗn hợp nhựa nguội

Thông tin về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, KHCN GTVT  
Công nghệ vá trám vết nứt, sửa chữa ổ gà bằng hỗn hợp nhựa nguội
Đây là một giải pháp có thể áp dụng trong điều kiện thời tiết mưa, ngay cả khi ổ gà ngập nước, khả năng năng chống phân tán cao, chống nước tốt và độ bền cao.

Ngày 17/4, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Jica tổ chức áp dụng thử nghiệm trên đường bộ theo công nghệ và vật liệu của Nhật Bản trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do Jica tài trợ. Cụ thể, thí điểm áp dụng Trám vá vết nứt mặt đường bê tông nhựa (sử dụng nhựa đường cải tiến, vật liệu lót và cát bảo dưỡng); sửa chữa ổ gà bằng hỗn hợp bê tông nhựa nguội đặc biệt (sử dụng hỗn hợp bê tông nhựa nguội đặc biệt Rescue Patch có thể vá ổ gà khi trời mưa) tại Km 74 + 800, QL.10 đoạn qua tỉnh Thái Bình.

Công nghệ sửa chữa thí điểm này được giới thiệu cho hạng mục bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và sửa chữa nhỏ. Thông thường công nghệ này được áp dụng đối với các hư hỏng mặt đường không tiến triển nặng nhằm duy trì hoạt động bình thường của đường bộ và tình trạng giao thông cho đến khi thực hiện công tác sửa chữa vừa và sửa chữa lớn. Như Công nghệ trám vết nứt; Công nghệ sửa chữa ổ gà-I; Ổ gà nông (với độ sâu < 3cm); Công nghệ sửa chữa ổ gà-II; Ổ gà sâu (với độ sâu 3cm ~ 5cm).

Nhìn chung, trám vết nứt được coi là một chiến lược chủ động trong bảo trì đường bộ và công tác sửa chữa này có thể ngăn chặn sự xâm nhập nước mặt vào kết cấu mặt đường, do đó kéo dài tuổi thọ mặt đường. Không thể áp dụng trám vết nứt cho các phần bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa lớn như thảm lại mặt đường, cắt & thảm lại và thay thế mặt đường.

 

Công tác sửa chữa ổ gà được xem là công tác sửa chữa ứng phó đối với các điểm hư hỏng trên mặt đường. Công tác sửa chữa ổ gà được áp dụng đối với các hư hỏng vừa. Khi các hư hỏng vừa trở thành hư hỏng nặng, công tác sửa chữa ổ gà độc lập không còn áp dụng được, cần áp dụng các công sửa chữa lớn như thảm lại mặt đường, cắt & thảm lại và thay thế mặt đường.

Theo ông Motofumi Tatsushita, chuyên gia nghiên cứu vật liệu sử dụng trong bảo trì đường bộ của Nhật Bản cho biết: Công nghệ vá trám vết nứt, xử lý nhanh về việc vá các ổ gà, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi, mưa, ngập nước thì cũng có thể sử dụng vật liệu này để vá nhằm đảm bảo giao thông an toàn. Hỗn hợp vật liệu nguội có khả năng chống thấm tốt, có thể áp dụng trong điều kiện thời tiết mưa, ngay cả khi ổ gà ngập nước, khả năng chống phân tán cao, khả năng chống nước cao và độ bền cao.

Đối với Công nghệ trám vết nứt, chất bịt vết nứt là nhựa Polime cải tiến, loại trừ thấm nhập nước mặt vào kết cấu mặt đường, kéo dài tuổi thọ mặt đường, từ đó giảm chi phí sửa chữa, nhựa có khả năng thấm nhập vào khe nứt tốt, chống nứt cao ở nhiệt độ thấp, kháng dính, chảy tốt ở nhiệt độ cao.

 

Chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết: Công nghệ này đem lại hiệu quả cao về mặt đảm bảo an toàn giao thông, làm chậm diễn biến xuống cấp của đường, kéo dài tuổi thọ của đường từ 3 -5  tùy theo điều kiện giao thông; thời gian thi công nhanh, nếu nhựa đã nấu xong và ra hiện trường trám vết nứt thì trong chiều dài 100m thi công khoảng 30 phút, nếu trường hợp bảo đảm giao thông phức tạp thì có thể kéo dài đến 1 giờ.

Theo ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ bảo trì đường bộ - Tổng cục ĐBVN cho biết: Công nghệ này khá tốt, vật liệu phù hợp cho công tác bảo trì, sửa chữa nhỏ trên đường quốc lộ và đường cao tốc cũng như  sửa chữa ngay các hư hỏng từ khi mới phát sinh, thời gian thông xe rất nhanh, sau khi sữa chữa chỉ cần 5 phút là có thể thông xe. Và các công nhân ở Việt Nam có thể làm chủ công nghệ thi công cũng như các máy móc sau khi chuyển giao.

Theo ông Điệp, chúng ta cần thay đổi cách nhìn để thấy rằng trên thế giới có rất nhiều vật liệu thích hợp cần đưa về thị trường Việt Nam để áp dụng nhằm nâng cao chất lượng bảo trì đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo giao thông.

Tổng cục trưởng cũng cho rằng việc ứng dụng công nghệ này là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo trì mặt đường tại Việt Nam. Đây là công nghệ rất cần để áp dụng tại Việt Nam, mặc dù giá thành còn cao nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu áp dụng, đặc biệt ở những mặt cầu, đoạn đường có một số vết nứt nhỏ, ổ gà nhỏ để đảm bảo an toàn giao thông.
Mục tiêu của công tác sửa chữa mặt đường thí điểm nhằm hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt đường và cầu tập trung vào các công nghệ thường được sử dụng trong bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa mặt đường;  Nhằm chuyển giao công nghệ về quản lý quy trình kiểm tra công trình đường bộ, chẩn đoán, lựa chọn công tác bảo dưỡng và sửa chữa, công nghệ xây dựng, giám sát và đánh giá, thể chế hoá công nghệ bảo trì và sửa chữa đường bộ.