Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mưa lũ

Tin tức sự kiện  
Công điện khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mưa lũ
Bộ GTVT vừa có Công điện khẩn số 22/CĐ-BGTVT ngày 8/10/2021 gửi: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Các Cục Quản lý đường bộ II, III và VI; Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải VN, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mưa lũ.

Theo đó, triển khai Công điện số 1311/CĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ. 

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: Hồi 07 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 08/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lũ kéo dài trên diện rộng, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi, đặc biệt là trong bối cảnh, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gián tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ tại Công điện số 21/BGTVT-ATGT ngày 06/10/2021 và thực hiện các nội dung sau: 

Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Đài Thông tin duyên hải phát cảnh báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động tránh trú an toàn.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ hàng hải sẵn sàng triển khai phương án, kế hoạch đã xây dựng; thường xuyên theo dõi diễn biến của ATNĐ để hướng dẫn cho tàu thuyền tránh đi vào khu vực nguy hiểm của ATNĐ; chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam: Chỉ đạo các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải khu vực duy trì lực lượng và phương tiện để sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia; Cảng Vụ Đường thủy nội địa liên tục theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ, thông báo, hướng dẫn các tàu, thuyền khi cấp phép rời cảng và các tàu, thuyền khi hành trình trên biển biết, điều chỉnh hướng đi phù hợp đảm bảo an toàn, đặc biệt là tàu thuyền neo đậu tại khu vực cửa sông. 

Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng Hàng không Việt Nam, Công ty Bay dịch vụ hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để điều chỉnh kế hoạch hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp và đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với hoạt động bay; Chủ động kiểm tra, rà soát, phương tiện, trang thiết bị, chằng néo, neo đậu tàu bay và nhân lực tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, kho hàng... để hạn chế thiệt hại do ATNĐ, mưa lũ gây ra.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn và có phương án gia cố đảm bảo an toàn chạy tàu. Thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước... 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chủ động thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục đảm bảo giao thông thông phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.  Tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực chuẩn bị cho việc khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu yếu, khu vực đường xung yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt. 

Chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III và IV chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng của địa phương chuẩn bị phương án tổ chức, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, bị đứt đường, đoạn đường bị sạt lở…nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ.

Các Sở Giao thông vận tải: phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, Cục Quản lý đường bộ II, II, IV và các đơn vị quản lý và sữa chữa đường bộ, đường thủy nội địa tập trung lực lượng, vật tư, thiết bị, máy móc… để có thể kịp thời triển khai khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra. Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước, các bến đò để đảm bảo an toàn, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá khi cần thiết. 

Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong quá trình tổ chức phòng, chống và ứng phó thiên tai. 

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.​


https://mt.gov.vn