Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI năm 2019 của Sở GTVT Hà Nam

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI năm 2019 của Sở GTVT Hà Nam
          Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam tại Kế hoạch số 1620/KH-UBND ngày 07/6/2019- Kế hoạch hành động nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo; Sở GTVT Hà Nam xây dựng Kế hoạch thực hiện nâng cao chỉ số PAPI tại Sở. 
         Theo đó, nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các phòng chuyên môn, đơn vị, CCVC  trong thực thi nhiệm vụ và phục vụ nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực canh tranh của Ngành GTVT, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực GTVT, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Khắc phục những tồn tại, hạn chế tại các nội dung thành phần trong Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2018 theo chức năng nhiệm vụ được giao; phấn đấu hàng năm được xếp trong tốp đầu các Sở ngành về chỉ số PAPI của cả tỉnh.​ 
          Để đạt được mục tiêu trên, Sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ số cơ bản, nâng cao Hiệu quả quản trị và Hành chính công của Ngành cụ thể sau:

         1. Công tác chỉ đạo điều hành:

         Trên cơ sở kết quả đánh giá xếp loại chỉ số PAPI năm 2018 của tỉnh; Kế hoạch nâng cao chỉ số PAPI của Sở năm 2019 và những năm tiếp theo, cấp ủy chi bộ, lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với các chỉ số nội dung chính, nội dung thành phần, đặc biệt với các nội dung còn yếu.

          2. Tăng cường sự tham gia của công chức, viên chức, nhân viên và của nhân dân đối với các hoạt động tại cộng đồng:

         Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trần.

         Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong công chức, viên chức và nhân dân về Pháp lệnh thực hiện dân chủ, các nội dung, vấn đề mà người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, trách nhiệm của chính quyền, của các cơ quan, tổ chức liên quan…

          3. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với các nội dung theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch:

          Công khai quy hoạch, kế hoạch ngành; quy hoạch các dự án hạ tầng GTVT trên Cổng Thông tin Điện tử của UBND tỉnh và của Sở. Thực hiện công khai các quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp có thể tìm kiếm được thông tin cũng như tiếp cận được các chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành nhanh nhất, rút ngắn được thời gian cũng như chi phí của doanh nghiệp.

          Tiếp tục nâng cấp Công thông tin điện tử của Sở nhằm cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, các quy định, hướng dẫn thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực GTVT.

Công khai, minh bạch các mức thu các loại phí tại Trung tâm phục vụ hành chính công để nhân dân, doanh nghiệp biết thực hiện.

          4. Nâng cao trách nhiệm với người dân

           Thực hiện tốt quy chế tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công chức, viên chức và của tổ chức, công dân kịp thời đúng thẩm quyền.

           Thực hiện nghiêm Luật khiếu nại tố cáo; phúc đáp các kiến nghị, phản ánh ghi nhận từ người dân. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo, trả lời, phúc đáp cho công dân phải thể  hiện bằng văn bản trong đó viện dẫn các quy định của pháp luật.

          Tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, tạo kênh thông tin đối thoại thân thiện với doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp, tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa sở GTVT với cộng đồng doanh nghiệp.

          5. Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công:

          Thường xuyên phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật, các văn bản liên quan về phòng chống tham nhũng để công chức, viên chức biết thực hiện và người dân giám sát việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin, nắm bắt ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân đối với chất lượng phục vụ của công chức. Xử lý, tham mưu xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình phụ trách. Công khai báo cáo kết quả phòng chống tham nhũng và giám sát thực hiện phòng chống tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

         Tiếp tục thực hiện các quy định về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức người lao động vào làm việc tại cơ quan. Thực hiện công khai minh bạch trong tuyển dụng và các công tác khác về quản lý công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng.

         6. Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

         Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm túc, chất lượng công tác rà soát các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý; kiến nghị cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

        Kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính của sở trên Cổng thông tin điện tử và niêm yết tại Trung tâm phục vụ hành chính công của Tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục của các phòng chuyển môn, đơn vị liên quan, nhất là trách nhiệm của công chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân, tổ chức.

        Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

        7. Cải thiện chất lượng các dịch vụ công

        Các đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp dây truyền hoạt động khoa học, bố trí lực lượng phù hợp, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ công; đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

        Tiếp tục tham mưu triển khai; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm trên các lính vực quản lý của Ngành.

         8. Về nội dung quản trị môi trường:

         Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và tách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải; thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường khi triển khai các công trình, dự án; sử dụng thiết bị tiến tiến, hiện đại; năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

         Cải tạo sửa chữa, nâng cấp kịp thời hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn; tăng cường kiểm soát tải trọng xe; duy trì chất lượng kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng đảm bảo giao thông êm thuận và bảo vệ môi trường.

         9. Quản trị điện tử:

       Tăng cường phổ biến, đổi mới, nâng cấp giao diện Cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến của sở theo hướng thân thiện với người dùng để người dân và doanh nghiệp biết và sử dụng thường xuyên.

       Cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh, lãnh đạo sở; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiêp; cung cấp đầy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện trên cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử.​



Văn phòng Sở