I. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện:
Thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, Sở GTVT với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban ATGT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 13-TT/TU ngày 14/12/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 07/01/2013). Triển khai Kế hoạch hoạt động năm ATGT năm 2013 của tỉnh; xây dựng và thực hiện kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trước, trong và sau tết Quý Tỵ và Lễ Hội xuân năm 2013; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định Quản lý hành lang ATGT đường bộ tỉnh Hà Nam; tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 08/3/2013 v/v tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản đôn đốc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT trên địa bàn;chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, các cơ quan đơn vị trong tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao như: Kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng; Kế hoạch tổ chức Tuần lễ An toàn đường bộ lần thứ 2 tại Hà Nam; Kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đôi với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; Kế hoạch phòng chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện…
II. Kết quả 6 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT
Đảng ủy Sở GTVT đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác bảo đảm TTATGT. Hàng tháng, hàng quý trong sinh hoạt đảng của Đảng bộ và các chi bộ đều có mục kiểm điểm việc chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT của các đảng viên. Đảng ủy đã thống nhất trong toàn Đảng bộ đưa tiêu chí ATGT vào bình xét tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở đã ban hành văn bản số 722/SGTVT-TCHC ngày 10/4/2013 yêu cầu cán bộ, viên chức người lao động trong ngành giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng trong lĩnh vực TTATGT; ban hành văn bản số 1505/SGTVT-QLGT ngày 02/7/2013 gửi các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở; các cơ sở đào tạo cấp giấy phép lái xe; các Doanh nghiệp, HTX vận tải trên địa bàn tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các nội dung nhằm giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Tổ chức tuyên truyền Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Thông tri số 13 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 25 của UBND tỉnh đến toàn thể cản bộ công nhân viên trong ngành giao thông; Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ: Mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong toàn ngành tham gia, hưởng ứng các nội dung tuyên truyền như: lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với lái xe; không uống rượu, bia trước khi lái xe; thực hiện đội mũ bảo hiểm đối với người khi đi xe mô tô, xe máy; đi bộ và sang đường đúng nơi quy định; đi đúng phần đường, làn đường quy định khi tham gia giao thông…
- Tiếp tục tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ 2008, Nghị quyết 88/2011/NQ-CP, Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí Văn hoá giao thông; tổ chức quán triệt, tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự ATGT và bảo vệ công trình giao thông, hành lang bảo vệ an toàn đường bộ trên địa bàn ( Kế hoạch hành động năm ATGT 2013 của Bộ GTVT - số 1216/KH-BGTVT ngày 06/02/2013; Chỉ thị số 10/CT-BGTVT ngày 13/6/2013 về triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT trong hoạt động vận tải đường bộ; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Kế hoạch số 86/KH-BATGT ngày 21/6/2013 của Ban ATGT tỉnh về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ).
- Tiếp tục hưởng ứng các hoạt động trong “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020” do Liên Hợp Quốc phát động.
3. Phát triển kết cấu HTGT, nâng cao chất lượng công trình giao thông và năng lực vận tải.
Giải quyết thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh để sớm cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến có mật độ giao thông cao như nâng cấp, mở rộng QL 38B, ĐT 495B cũ, ĐT 491…khối lượng thực hiện XDCB đến 30/6 ước đạt 134 tỷ đồng.
Đôn đốc Nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang, tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường tại các khu vực thi công; kiểm tra các hệ thống tiêu thoát nước trong dự án, khả năng thoát nước của các công trình tạm, chủ động khắc phục úng lụt do triển khai thi công đắp nền, mặt đường và xây dựng cống gây ra, chỉ đạo kịp thời thực hiện công tác đảm bảo giao thông khi có mưa lũ xảy ra.
Yêu cầu các Nhà thầu thực hiện nghiêm chỉnh công tác đảm bảo giao thông và ATGT khi thi công trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác theo các quy định tại Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải.
Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa thường xuyên cầu đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt êm thuận, đặc biệt các tuyến đường tỉnh mới nhận về. Chỉ đạo chính quyền các xã tiếp tục hoàn thiện xây dựng đường GTNT.
Quản lý chặt chẽ các luồng tuyến vận tải, đảm bảo trật tự vận tải trên các tuyến cố định và tại bến xe. Đề xuất tham mưu triển khai phương án xe buýt phục vụ đi lại của công nhân tại khu công nghiệp Đồng Văn. Kết quả 6 tháng đầu năm đã cấp 9.438 GPLX các loại. Trong đó cấp mới 6.814 GPLX, cấp đổi 2.624 GPLX các loại.
4. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước
- Tăng cường công tác bảo trì đường bộ, tập trung xử lý, sửa chữa các hư hỏng sình lún cao su, ổ gà, bong bật mặt đường để đảm bảo mặt đường luôn êm thuận, thường xuyên khơi thông cống thoát nước, bạt lề đường tránh đọng nước mặt đường gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong khu vực đông dân cư.
- Tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống trang thiết bị ATGT như: biển báo; vạch sơn phân làn, gờ giảm tốc; hộ lan tôn sóng; cọc tiêu bị mất, thiếu hoặc hư hỏng cho phù hợp với thực tế. Đã cắm bổ sung, sửa chữa gần 200 biểnbáo hiệu trên hệ thống quốc lộ ủy thác và đường tỉnh.
- Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra các công trình giao thông, rà soát, tăng cường các điều kiện an toàn đối với hệ thống cầu đường, bến sông; kịp thời sửa chữa các hư hỏng, giải toả tầm nhìn, không để xảy ra các sự cố về cầu, đường gây mất an toàn giao thông.
- Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa tại các công trình dở dang, tăng cường các biện pháp đảm bảo giao thông tại các khu vực thi công.
- Lập kế hoạch và phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường, các đơn vị liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu HTGT đường bộ và hành lang an toàn đường bộ như: đấu nối trái phép vào đường chính; đào, khoan xẻ đường trái phép; xây dựng cơi nới nhà ở, lều quán trong phạm vi đất dành cho đường bộ; tập kết vật liệu buôn bán trong hành lang và công trình đường bộ... Thanh tra sở đã xây dựng Kế hoạch số 62/KH-TTr ngày 25/3/2013 và Chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các trường hợp đấu nối trái phép trên các tuyến QL21, QL21B, ĐT.491, ĐT.492, ĐT.494, ĐT.494C, ĐT.495B, ĐT.497…
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải: Phương tiện đậu đỗ không đúng nơi quy định, xe chở quá tải, chở vật liệu không có bạt che phủ làm rơi vãi vật liệu xuống đường hoặc che phủ không kín gây ô nhiễm môi trường; đã xử phạt được 199 trường hợp (phạt tiền 208.050.000 đồng), xử lý xe chở quá tải 105 trường hợp (phạt tiền 94.800.000 đồng), phối hợp thực hiện hạ tải 272 trường hợp (tương đương 653 tấn hàng hóa).
- Thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các đơn vị thi công trên đường bộ đang khai thác, trên phạm vi đất dành cho đường bộ gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông; đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông không đủ điều kiện hoạt động, không đảm bảo an toàn, yêu cầu các chủ bến, chủ phương tiện khắc phục ngay những thiếu sót để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, an toàn.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm trong việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (đã thực hiện 04 cuộc kiểm tra theo quy định); hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.
- Trung tâm đăng kiểm tăng cường quản lý công tác kiểm định chất lượng các phương tiện vận tải theo Nghị định 23/2004/NĐ-CP ngày 13/10/2004 của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng của ôtô tải và ô tô chở người. Kiên quyết không đăng kiểm các phương tiện thay đổi thiết kế ban đầu của xe như cơi nới thành xe, kiểm định chặt chẽ các phương tiện vận tải khách.
- Tổ chức kiểm tra việc lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tại các hộ kinh doanh, các đơn vị vận tải theo hướng dẫn của Bộ GTVT nhằm đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả quản lý vận tải.
- Yêu cầu các đơn vị đào tạo áp dụng mức thu học phí theo giá sàn đối với công tác đào tạo lái xe cơ giới đường bộ khi có yêu cầu của Bộ GTVT, Bộ Tài chính để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trung tâm đào tạo, gây tình trạng cắt xén chương trình, không đảm bảo chất lượng.
- Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải áp dụng tiêu chuẩn, nội quy bắt buộc thực hiện đối với lái xe về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với đội ngũ lái xe; phát hiện và xử lý những lái xe không đủ sức khỏe, kiên quyết đình chỉ đối với những trường hợp lái xe không đủ sức khỏe, nghiện ma túy và các chất kích thích khác để đảm bảo ATGT trên mỗi chuyến xe.
- Kiểm tra nghiêm ngặt, kiên quyết không cho xuất bến đối với xe không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu bia, chất kích thích, lái xe không đúng tên ghi trong sổ nhật trình; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Thanh tra giao thông, Công an để kiểm soát hoạt động đón trả khách của các đơn vị kinh doanh vận tải do đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho mỗi chuyến xe.
5. Tình hình tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2013:
6 tháng đầu năm 2013: Xảy ra 88 vụ, so với cùng kỳ 2012 giảm 02 vụ. Hậu quả làm chết 52 người và làm bị thương 58 người. So với cùng kỳ 2012 giảm 1 người chết (giảm 1,9%); giảm 3 người bị thương (giảm 4,9%); thiệt hại tài sản 813 triệu (giảm 85 triệu đồng).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên địa bàn tỉnh thời gian qua tình hình vi phạm TTATGT còn diễn biến phức tạp, tình trạng hành lang ATGT còn tái diễn. TNGT tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhan cơ bản là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đôi khi chưa đồng bộ. Kinh phí dành cho công tác đảm bảo ATGT còn hạn hẹp….
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị 18- CT/TW, sở GTVT Hà Nam xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện trong năm 2013 và thời gian tới như sau:
1. Công tác tuyên truyền:
- Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tuyên truyền Nghị quyết số 88 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBATGTQG, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
- Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng gây TNGT; tổ chức ký cam kết với lái xe và chủ phương tiện tự giác chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT:
- Nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào việc xử phạt vi phạm TTATGT, lực lượng chức năng có trách nhiệm thông báo về cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức vi phạm về TTATGT để phê bình, kiểm điểm (Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 28/3/2012 và VB 722/SGTVT ngày 10/4/2013).
- Về công tác đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp GPLX: Chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện: kiên quyết không đăng kiểm cho các phương tiện cơi nới thùng hàng. Quản lý chặt chẽ, thường xuyên tiến hành thanh tra kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch; nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
- Nâng cao đạo đức công vụ: Thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức viên chức nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong việc thực thi công vụ. Xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
3. Về kết cấu hạ tầng giao thông:
- Tập trung giải toả vi phạm lòng, lề đường đã đền bù hoặc đất công như họp chợ, để vật liệu xây dựng trên lòng, lề đường... Thực hiện các biện pháp hạn chế xe quá tải, quá khổ đi trên đường giao thông nông thôn, đường đê.
- Tập trung nâng cấp,cải tạo một số tuyến đường tỉnh, đường huyện bị xuống cấp; tiếp tục xây dựng đường GTNT.
- Năm 2013, tập trung xử lý 3 điểm đen thường gây ra TNGT;
- Yêu cầu Ngành đường sắt phối hợp với TP Phủ Lý đóng đường ngang tại khu vực Bắc thanh Châu.
- Tổ chức người gác cảnh giới tại 10 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt Bắc Nam có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn cao.
4. Về công tác tuần tra, kiểm soát:
Lực lượng CSGT tăng cường lực lượng TTKS các tuyến đường trên toàn tỉnh có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT như chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, chở quá tải, quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm...
Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra xe khách, xe tắc xi dừng đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định...kiểm tra xe quá tải trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện; phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra hành lang ATGT, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là các chợ cóc họp ở ven đường gây mất ATGT.
Sở GTVT Hà Nam kiến nghị một số vấn đề cụ thể:
1. Đường sắt Bắc Nam đi qua tỉnh Hà Nam có chiều dài 31,255 Km. Trong đó có 35 đường ngang hợp pháp và 242 đường dân sinh bất hợp pháp. Năm 2012, Tỉnh Hà Nam phối hợp với Khu quản lý đường bộ II và Công ty đường sắt Hà Ninh đóng 3 đường ngang dân sinh trái phép tại Km 42+500;Km 42+850 và Km 56+650; Để đảm bảo ATGT Đường sắt, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn để ngành Đường sắt làm đường gom từ Phủ Lý- Cầu Họ với chiều dài 15 km.
2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an kiên quyết xử lý xe quá tải là nguyên nhân chính gây TNGT, phá hoại hạ tầng giao thông và gây ô nhiễm môi trường giao thông.
3. Tăng nặng mức xử lý đối với trường hợp vi phạm như:
- Đối với xe quá tải: yêu cầu để nguyên tải và giữ xe 10 ngày, sau đó mới xử lý;
- Đối với xe khách gây tai nạn nghiêm trọng yêu cầu phải truy tố trước pháp luật.
4- Xử phạt vi phạm qua hình ảnh: Đề nghị xử phạt vi phạm qua hình ảnh trên toàn quốc để tăng tính răn đe. Yêu cầu Chủ phương tiện và lái xe phải có tài khoản tại ngân hàng khi đăng ký xe và khi hành nghề.