Công tác chỉ đạo, điều hành: Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy Hà Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1333/KH-UBND ngày 23 tháng 09 năm 2011 thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Nam về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh Hà Nam đến năm 2015; các Sở ngành, các địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tế .
Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông: Đã tập trung rà soát, thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, được các cấp, các ngành phê duyệt cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Kéo dài Quốc lộ 21B; Tuyến đường nối Hà Nam- Thái Bình; Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội- Hải Phòng với cầu Giẽ- Ninh Bình, trên địa phận Hà Nam; Tuyến đường nối Mỹ Đình- Ba Sao- Bái Đính. Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt: Chuyển một số tuyến và đoạn tuyến đường tỉnh thành QL37B, QL38B; Kéo dài QL21B; Bổ sung quy hoạch tuyến QL1 đoạn tránh qua thành phố Phủ Lý và tuyến QL38 đoạn tránh qua thị trấn Hòa Mạc; Chuyển tuyến sông Châu Giang lên sông Trung ương quản lý. Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã phê duyệt: Bổ sung, điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường đô thi, đường xã; Quy hoạch đấu nối đường ngang các tuyến quốc lộ còn lại QL37B, QL38B và tuyến Phủ Lý - Mỹ Lộc.
Kết qủa đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông đến hết năm 2015:
Qua 04 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh Hà Nam đến năm 2015; mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là thiếu vốn đầu tư do thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ song được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, huy động tối đa các nguồn lực, phối hợp với cơ quan Trung ương tập trung để thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/8/2011.
Thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh đầu tư kinh phí xây dựng, huyện và nhân dân thực hiện GPMB (như đường ĐH02 huyện Thanh Liêm, ĐH 08 huyện Duy Tiên). Việc xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 03-NQ/TU, hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết.
Đã tập trung vào việc phát triển các tuyến đường liên vùng, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường mới... góp phần trong việc phát triển đô thị theo Nghị quyết số 05-NQ/TU, phát triển các khu công nghiệp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU và góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân theo Nghị quyết số 08-NQ/TU.
Đã tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan Trung ương triển khai các dự án BOT ngoài Nghị quyết như: Tuyến QL1 đoạn tránh qua thành phố Phủ Lý; tuyến QL38 đoạn tránh qua thị trấn Hòa Mạc; cầu Thái Hà...
Tổng nguồn lực vốn huy động đạt 10.989 tỷ đồng. Trong đó: Dự án vốn Trung ương 1.564,27 tỷ; vốn địa phương 944,84 tỷ; vốn Trái phiếu Chính phủ 6.133,19 tỷ; ngân sách tỉnh hỗ trợ xi măng 385,2 tỷ; vốn nước ngoài 343,6 tỷ; vốn từ quỹ đất 505,45 tỷ; vốn nhân dân đóng góp 1.112,65 tỷ.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo được 3.036,9 km đường các loại. Trong đó: Nâng cấp, cải tạo được 20,4km Quốc lộ ; 18,5km đường tỉnh ; 15,14km đường đô thị ; 64,87km đường huyện; 306,4km đường xã ; 1.803km đường thôn xóm ; 808,6km đường ra đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, còn một số tồn tại, hạn chế: So với các mục tiêu của Nghị quyết, các tuyến Quốc lộ đến nay mới đạt 53%, Các tuyến đường tỉnh đạt 18,5%, các tuyến đường và cầu xây dựng mới đã hoàn thành 03/08 chỉ tiêu đạt 37%. Việc đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ còn dàn trải, thời gian thực hiện một số dự án còn kéo dài, tiến độ chậm, quy mô đầu tư một số tuyến giao thông nông thôn chưa phù hợp với quy hoạch. Trong hệ thống đường bộ thì đường tỉnh và đường huyện chưa được đầu tư nâng cấp nhiều, tỷ lệ đường xấu cao. Việc lấn chiếm, xây dựng trong phạm vi hành lang đường bộ diễn biến phức tạp; công tác GPMB một số dự án chậm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Chất lượng công tác thiết kế, giám sát và thi công một số công trình chưa đảm bảo còn phải làm lại.
Từ thực tiễn, một số bài học kinh nghiệm được rút ra: Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quản quản lý nhà nước; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án... Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện triển khai Nghị quyết. Thực hiện tốt việc huy động, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ hỗ trợ Trung ương, vốn từ các tổ chức, cá nhân... thực hiện xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuyên truyền, vận động, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong việc hiến đất, hiến tài sản, góp nguồn lực để xây dựng đường thôn xóm, đường ra đồng. Có sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành với các huyện, thành phố trong công tác GPMB. Có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Tỉnh ủy và các Bộ ngành Trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Để hoàn thành phương hướng, mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh đề nghị Tỉnh ủy Hà Nam chỉ đạo cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy, trong đó xem xét bổ sung, điều chỉnh một số mục tiêu, giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với tình hình giai đoạn mới
Đỗ Trọng Tài
Phó phòng Kế hoạch- Tài chính