Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nghiên cứu đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường

Thông tin về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, KHCN GTVT  
Nghiên cứu đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường
Đây là nghiên cứu của TS. Đặng Việt Hà, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Theo TS. Đặng Việt Hà, hệ thống treo là phần tử liên kết giữa thân xe và trục xe có vai trò quan trọng trong việc tạo êm dịu chuyển động. Với mỗi kích động của mặt đường thông qua hệ thống treo sẽ tác động đến thân xe.

Ảnh minh họa

Hệ thống treo trên xe ô tô là phần tử liên kết giữa thân xe và trục xe, ngoài nhiệm vụ đảm bảo độ êm dịu chuyển động còn phải đáp ứng yêu cầu về tính thân thiện với đường. Để đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường có thể thực hiện bằng thực nghiệm hoặc mô phỏng trên mô hình.

Bài nghiên cứu giới thiệu phương pháp đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường theo Tiêu chuẩn VSB 11 của Australia bằng mô hình lý thuyết. Tần số dao động và hệ số dập tắt dao động được sử dụng làm chỉ tiêu đánh giá. Kết quả nghiên cứu có thể sử dụng để lựa chọn kết cấu hệ thống treo phù hợp.

Hệ thống treo là phần tử liên kết giữa thân xe và trục xe có vai trò quan trọng trong việc tạo êm dịu chuyển động. Với mỗi kích động của mặt đường thông qua hệ thống treo sẽ tác động đến thân xe. Mặt khác, tải trọng tĩnh của xe và tải trọng động sinh ra trong quá trình chuyển động sẽ tác động xuống mặt đường dưới ảnh hưởng của hệ thống treo. Do đó, khi nghiên cứu về hệ thống treo cần phân tích cả hai mặt: tác động đến xe và tác động đến đường, tức là cần đặt trong mối quan hệ đường - xe.

Hệ thống treo thông thường sẽ gồm phần tử đàn hồi (lò xo, nhíp, khí nén, thanh xoắn), phần tử giảm chấn (giảm chấn thủy lực) và phần tử dẫn hướng. Nhiệm vụ của hệ thống treo là tạo ra dao động khi gặp kích động từ mặt đường và dập tắt dao động đó, tức là tạo ra dao động tắt dần, làm êm dịu chuyển động. Nhưng cũng chính dao động này sinh ra tải trọng động tác động đến đường, là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đường.

Đối với hệ thống treo, ngoài tiêu chí đánh giá liên quan đến độ êm dịu chuyển động thì tiêu chí thân thiện với đường cũng rất quan trọng. Do đó, ngày nay trên xe có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng hệ thống treo khí nén đáp ứng được đồng thời hai yêu cầu, vừa đảm bảo độ êm dịu, vừa đáp ứng yêu cầu thân thiện với đường. Hệ thống treo khí nén được sử dụng phổ biến trên các loại xe từ sơ-mi rơ-moóc, xe tải đến xe khách.

Để đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường có thể thực hiện bằng thực nghiệm bằng cách tạo ra một kích động đột ngột và xác định tần số dao động riêng, hệ số dập tắt dao động trên cơ sở đo chuyển vị của khối lượng được treo; hoặc xác định bằng mô hình bằng cách mô phỏng lại phép thử đó. Trên thế giới, hệ thống treo được đánh giá mức độ thân thiện với đường theo Tiêu chuẩn VSB 11, Directive 96/53/ EC.

Tại Việt Nam, việc đánh giá hệ thống treo mới chỉ dừng lại ở chỉ tiêu độ êm dịu chuyển động theo QCVN 09:2015/ BGTVT và QCVN 10:2015/BGTVT. Chỉ tiêu đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường theo tần số dao động và hệ số dập tắt dao động (damping ratio). Bài báo giới thiệu phương pháp và chỉ tiêu đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường theo Tiêu chuẩn VSB 11 bằng mô hình lý thuyết...

Trong nghiên cứu này, một mô hình 1/4 hệ thống treo khí nén được xây dựng để thực hiện đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường theo tiêu chuẩn VSB 11, tương đương Directive 96/53/EC. Chỉ tiêu đánh giá theo tần số và hệ số dập tắt dao động. Một số kết quả chính rút ra như sau: Đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường, góp phần hoàn thiện đánh giá chất lượng của hệ thống treo bên cạnh độ êm dịu chuyển động. Phương pháp đánh giá bằng mô hình linh hoạt hơn trong việc thay đổi tham số kết cấu hệ thống treo, phục vụ cho công tác thiết kế xe và đánh giá chất lượng xe, linh kiện hệ thống treo. Kết quả nghiên cứu là cơ sở xây dựng, bổ sung các quy định cho tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam về đánh giá hệ thống treo thân thiện với đường.

Nội dung xem  dang-viet-ha-1036.pdf


Tapj chí GTVT