Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics

Chuyển đổi số  
Hội thảo Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics
Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa tổ chức Hội thảo "Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics".
Trường Đại học Công nghệ GTVT vừa tổ chức Hội thảo "Công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Logistics".

Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đơn vị, các giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Từ đó tạo diễn đàn tư vấn, phản biện và hoạch định chính sách về phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng thông minh, bền vững.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Hội thảo

Đến dự chương trình, về phía khách mời đồng diễn giả có TS. Phạm Long, Đại học Texas A&M – Corpus Christi, Mỹ; bà Cao Cẩm Linh, Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn và dịch vụ Viettel; ông Phạm Văn Bách – Giám đốc Công ty TNHH Beazeni Việt Nam cùng sự có mặt của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động về các lĩnh vực Logistics.

Về phía Nhà trường có TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng; TS. Ngô Thị Thanh Hương – Trưởng Phòng KHCN & HTQT; TS. Đinh Quang Toàn - Viện trưởng Viện ĐMST & KTS; TS. Hoàng Văn Lâm, TS. Chu Thị Bích Hạnh -  Phó Trưởng Khoa Kinh tế vận tải; lãnh đạo bộ môn Khoa Kinh tế vận tải; lãnh đạo bộ môn Khoa Công trình cùng các em sinh viên quan tâm đến dự.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp

và các em sinh viên đến tham dự

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành logistics. Với vai trò là xương sống của nền kinh tế, logistics không chỉ là việc vận chuyển hàng hóa mà còn là một hệ thống phức hợp đòi hỏi sự tối ưu hóa và hiệu quả ở mức cao nhất. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, và dữ liệu lớn. Những công nghệ này không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động logistics mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh đó, hội thảo hôm nay sẽ là một diễn đàn quan trọng để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và nghiên cứu mới nhất về công nghệ và chuyển đổi số trong ngành logistics. Đây cũng là dịp để chúng ta thảo luận về những thách thức và cơ hội, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả và khả thi cho tương lai. Hội thảo lần này, Nhà trường hy vọng, chúng ta sẽ thu được nhiều ý tưởng và sáng kiến mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường

tặng hoa cho cho các diễn giả khách mời

Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận xoay quanh các nội dung: “Công nghệ và chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Logistics”; “Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics Việt Nam”; “Công nghệ đang triển khai tại doanh nghiệp Logistics: thực tiễn và xu hướng”; “Công nghệ Gamification trong quản lý và vận hành hạ tầng logistics”.

Theo TS. Phạm Long, do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, ngành Logistics Việt Nam còn gặp phải nhiều rào cản, hạn chế về: công nghệ; về chi phí; về nhận thức và nhân lực. TS. Phạm Long đưa ra một số giải pháp chuyển đổi số cho ngành Logistcs Việt Nam, về phía cơ quan quản lý nhà nước: Chú trọng đầu tư vào hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; Huy động các tập đoàn CNTT xây dựng, chuyển giao các phần mềm logistics cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam với giá ưu đãi; Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics... Về phía doanh nghiệp: Các doanh nghiệp logistics nhỏ và siêu nhỏ, chưa có điều kiện đầu tư công nghệ hoặc hệ thống kho bãi cũng có thể tham gia vào các thị trường ngách, quy mô nhỏ, chủng loại hàng đơn giản để phục vụ các doanh nghiệp bán lẻ; việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cần được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng...

TS. Phạm Long, Đại học Texas A&M – Corpus Christi, Mỹ báo cáo tham luận

“Công nghệ và chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Logistics”

Tại Hội thảo, NCS. Nguyễn Thị Dung, Khoa Kinh tế vận tải đã nhấn mạnh về các nhân tố ảnh hưởng chuyển đổi số của doanh nghiệp Logistics Việt Nam. Có thể kể đến, các yếu tố môi trường bên ngoài như: Sự phát triển môi trường công nghệ số; Đặc điểm phát triển ngành kinh doanh; Chính sách quản lý và hỗ trợ của nhà nước. Các nhân tố môi trường bên trong doanh nghiệp gồm có: Mô hình kinh doanh và chiến lược chuyển đổi số; nguồn lực con người; Hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ; Thị hiếu của khách hàng; bảo mật thông tin; chi phí trong chuyển đổi số.

NCS. Nguyễn Thị Dung, Khoa Kinh tế vận tải báo cáo chủ đề

“Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp Logistics Việt Nam”  

Theo bà Cao Cẩm Linh, các công ty đang tận dụng lượng lớn dữ liệu biến thành lợi thế cạnh tranh, dựa trên khả năng dự đoán chính xác nhu cầu thị trường, tùy biến sản phẩm dịch vụ, tối ưu mô hình kinh doanh. Các hướng ứng dụng Big Data trong ngành Logistics: tối ưu hóa về thời gian, tài nguyên; tối ưu độ phủ địa lý; đồng bộ chuỗi cung ứng, đánh giá nguy cơ ngắt/dừng chuỗi; tối ưu chuỗi cung ứng; vận hành hệ thống, xây dựng hệ thống lộ trình vận chuyển tối ưu; thu thập dữ liệu tự động để dự đoán các trường hợp; tăng trải nghiệm tương tác khách hàng; tạo dựng nguồn dữ liệu, cung cấp góc nhìn kinh tế trên góc độ vĩ mô về luồng chảy hàng hóa, dung lượng kho bãi.

Bà Cao Cẩm Linh, Tư vấn trưởng Công ty Tư vấn và dịch vụ Viettel chia sẻ nội dung

“Công nghệ đang triển khai tại doanh nghiệp Logistics: thực tiễn và xu hướng”

Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Văn Bách – Giám đốc Công ty TNHH Beazeni Việt Nam cho biết, Hạ tầng Logistics là hệ thống bao gồm cơ sở vật chất và các hệ thống hỗ trợ cần thiết để quản lý và điều phối các hoạt động vận chuyển, lưu trữ, và phân phối hàng hóa:  Cơ sở hạ tầng giao thông; Kho bãi và trung tâm phân phối; Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; Hạ tầng năng lượng. Theo ông, xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành hạ tầng logistics là: Mô phỏng và kiểm soát hoạt động; Minh bạch thông tin, kiểm soát chi phí - doanh thu; Xanh hoá, hướng tới phát triển bền vững; Mô phỏng đầu tư dự án cho hoạt động sales & marketing.

Ông Phạm Văn Bách – Giám đốc Công ty TNHH Beazeni Việt Nam
chia sẻ báo cáo “Công nghệ Gamification trong quản lý và vận hành hạ tầng logistics”

Các đại biểu và các em sinh viên tham gia thảo luận với các diễn giả khách mời

Tại chương trình, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp và các em sinh viên cùng tích cực thảo luận, trao đổi về các thách thức và cơ hội trong việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng hướng tới phát triển bền vững.

Ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các vị khách mời tham gia Hội thảo​


http://mt.gov.vn