Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ GTVT tổ chức toạ đàm “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm”

Tin tức sự kiện  
Bộ GTVT tổ chức toạ đàm “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm”
Chiều nay (04/11), tại Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ GTVT tổ chức Toạ đàm “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm”. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì buổi Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có các ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện các cục, vụ của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; Các khách mời đến từ Sở GTVT, Kế hoạch đầu tư các địa phương.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, triển khai Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu, Bộ GTVT đã gửi đề cương “Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không” tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ. Với hình thành và phát triển hệ thống cảng hàng không của Việt Nam gắn liền với hoạt động quân sự, nên việc quản lý đất đai, quản lý tài sản và mô hình vận hành, khai thác tương đối phức tạp.

Nhằm giúp các địa phương, các nhà đầu tư nắm bắt thêm thông tin phục vụ xây dựng Đề án và nghiên cứu đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Bộ GTVT đã giao Báo Giao thông tổ chức buổi Tọa đàm về “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm” với mục đích chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức đối tác công tư - PPP; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để các địa phương xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

“Qua buổi tọa đàm ngày hôm nay, Bộ GTVT rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.  

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Quảng Ninh được lựa chọn là địa điểm tổ chức Toạ đàm bởi đây chính là địa phương đi đầu trong việc huy động xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Với sự chủ động, năng động, sáng tạo cùng tư duy đột phá từ BOT hạ tầng, các dự án BOT giao thông tại Quảng Ninh không chỉ thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh, thu hút mạnh các nhà đầu tư, khách du lịch mà còn mang lại lợi ích đa chiều cho chính người dân địa phương. Việc triển khai thành công dự án Cảng HQKT Vân Đồn là một trong những động lực thu hút nguồn vốn đầu tư vào huyện với các dự án lớn.
 

Theo báo cáo, trong những năm vừa qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng trưởng bình quân 10 năm khoảng 18%.  Thông tin từ Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA cho thấy thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á .

Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ GTVT, công ty Cảng hàng không VN (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ ra rằng, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng.

Do đó ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác. Trong giai đoạn 2021-2025 ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 và các CHK như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo...

Trong bối cảnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là rất cần thiết.

Trình bày tham luận với nội dung "Tổng quan về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không tại Việt Nam, những vấn đề đặt ra", ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) đã phân tích thực trạng đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2011-2020.

Về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK, giai đoạn 2011-2020 khoảng 95.020 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN là 12,5% và vốn ngoài NSNN 87,5%); chiếm khoảng 9,2% toàn ngành, đạt khoảng 60% nhu cầu. Đánh giá nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn lực ACV, NSNN còn hạn chế, dẫn tới bị quá tải tại một số CHK lớn như: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất.

Trên có sơ đó, ông Nguyễn Anh Dũng cũng đưa ra nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng CHK giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, theo Quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do VATM đầu tư). Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch
đầu tư trình bày tham luận tại tọa đàm

Tiếp tục nội dung tham luận, ông Nguyễn Anh Dũng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thế giới về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Trong đó, đưa ra một số Mô hình đầu tư, quản lý, khai thác CHK phổ biến trên thế giới; Xu hướng xã hội hóa hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHK trên thế giới. Từ đấy chỉ ra mô hình có thể áp dụng tại Việt Nam.

Các nội dung về định hướng phân nhóm cảng hàng không để huy động nguồn lực; trình tự huy động nguồn vốn xã hội đầu tư CHK cũng được Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư đề cập trong tham luận.

Tại buổi toạ đàm, đại diện các đơn vị của Bộ và địa phương cũng đã trình bày nhiều tham luận liên quan tới chủ đề buổi Tọa đàm. Trong đó, tham luận  “Sự hình thành và quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không tại Việt Nam"; "Các công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không, nguồn thu và chi phí”; "Kinh nghiệm đầu tư khai thác cảng hàng không quốc tế Vân Đồn" với những quan điểm sâu sắc, phân tích thấu đáo để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không.

Thông qua buổi Tọa đàm, khách mời đến từ các cơ quan của Bộ, các bộ ngành liên quan và đại diện nhiều địa phương trên cả nước đã chia sẻ thông tin về nhu cầu về xây dựng hạ tầng hàng không; Những chính sách khuyến khích xã hội đầu tư cảng hàng không hiện nay; Giải pháp tìm nguồn lực đầu tư cảng hàng không; cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển cảng hàng không có sự tham gia của tư nhân và vai trò của chính quyền địa phương.

Đại biểu và khách mời đến từ các cơ quan liên quan và đại diện 
địa phương đã chia sẻ thông tin về nhu cầu về xây dựng hạ tầng hàng không

Tọa đàm lần này là hoạt động quan trọng giúp cho các địa phương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không của từng địa phương trước khi trình Tổ công tác xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.


https://mt.gov.vn