Tọa đàm được phối hợp cùng Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) trong khuôn khổ dự án Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á (NDC-TIA).
Tọa đàm có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Mục tiêu chính của tọa đàm nhằm: Khái quát tình hình sau hai năm thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành GTVT; Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi xanh, thách thức và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển giao thông xanh.
Toạ đàm không chỉ tạo cơ hội cho các bộ, ngành, địa phương chia sẻ các kinh nghiệm, điển hình tốt mà còn là cơ hội cho các bên chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành GTVT.Hơn nữa, đây là dịp lắng nghe các tổ chức quốc tế chia sẻ về các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển giao thông xanh tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế nhằm phát triển giao thông xanh, thân thiện môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Báo Giao thông)
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển kinh tế xanh đã được Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam từ khoá XI đặt vấn đề chính thức tại Nghị quyết số 24 ngày 13/6/2013 về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông thôn xanh.
Gần 1 thập kỷ triển khai thực hiện, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tiếp tục được khẳng định tại Quyết định 81 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung Ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trong đó yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, đổi mới công cụ kinh tế, tiếp cận thị trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Đại hội Đảng lần thứ XI, XII và XIII đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với biến đổi khi hậu là 1 trong 3 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876 ngày 2/7/2022 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí mê tan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, nhằm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hoá, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh.
Đồng thời, Quyết định của TTCP cũng khẳng định hỗ trợ của quốc tế là điều kiện quan trọng, tiên quyết để Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra.
Sau hai năm thực hiện Quyết định 876 của TTCP, Bộ GTVT và các bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp được giao và đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Đồng thời cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.
Bộ GTVT ghi nhận và cảm ơn các đối tác quốc tế, trong đó có Chính phủ CHLB Đức đã giúp đỡ và đồng hành cùng Bộ, các địa phương trong quá trình triển khai.
Tại sự kiện này, Bộ trưởng đánh giá cao tổ chức hợp tác quốc tế Đức đã tích cực chủ động phối hợp cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT tổ chức toạ đàm, nhằm trao đổi và thảo luận về những kết quả đã đạt được, đề ra các giải pháp thiết thực để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh và chuyển đổi năng lượng xanh trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu quan tâm, thảo luận một số nội dung như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, phát triển cảng xanh đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển thu nhập trung bình cao và năm 2050 là nước phát triển thu nhập cao.
Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ CHLB Đức, đại diện World Bank, tổ chức hợp tác quốc tế Đức, các đối tác quốc tế và sự phối hợp hiệu quả của Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đã quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng sự phát triển của ngành GTVT trong thời gian vừa qua.
Các đại biểu tham gia tọa đàm (Ảnh: Báo Giao thông)
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giao thông xanh.