PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại Lễ ký kết
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, chương trình ký kết hợp tác hôm nay là hoạt động nhằm thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Thông qua việc hợp tác này, Hiệu trưởng kỳ vọng các bên có thể chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết quý báu nhằm tối ưu hoá nguồn lực sẵn có, kết hợp chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác dự án, góp phần kiến tạo và kết nối hệ sinh thái dạy học - thực hành - làm việc trong lĩnh vực đường sắt và metro.
Đây sẽ là nền tảng để UTH góp phần phát triển và hoàn thiện sức mạnh nội lực về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt tốc độ cao và metro của Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học của UTH và chuyển giao công nghệ trong tương lai, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Ông Lý Hiểu Tranh phát biểu tại Lễ ký kết
Ông Lý Hiểu Tranh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty quản lý và vận hành giao thông thông minh CRRC mong muốn đóng góp những kiến thức chuyên môn và cùng UTH bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao tạo ra giá trị, giúp phát triển mạnh mẽ về ngành khoa học vận tải đường sắt.
GS. Tào Quốc Hồng, Phó Hiệu trưởng Viện Công nghệ Đường sắt Nam Kinh cho rằng những chương trình đào tạo của Đại học Nam Kinh có điểm tương đồng mà UTH đang đào tạo, đây được coi là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác giữa các bên.
GS. Tào Quốc Hồng phát biểu
Theo nội dung ký kết giữa UTH và CRRC, hai bên hướng đến hợp tác nghiên cứu khoa học trọng điểm với dự án trung tâm vận hành kết nối các tiêu điểm trung tâm của từng ga, tuyến khác nhau. Qua đó, đảm bảo mặc dù các tuyến metro có thể được xây dựng bởi nhiều công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau nhưng đều được điều khiển thông suốt và nhịp nhàng bởi một hệ thống đầu não. Ngoài ra UTH và CRRC hợp tác phát triển chương trình đào tạo bảo trì và vận hành, vận hành sau tiếp cận công trình nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tế của tuyến Metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu mô hình phát triển TOD; tư vấn giải pháp vận hành giao thông thông minh.
UTH và CRRC ký kết bản ghi nhớ hợp tác
Hai bên sẽ hợp tác trong trong lĩnh vực như vận hành đường sắt kỹ thuật số, đưa vào vận hành chung toàn diện, vận hành và bảo dưỡng thông minh, thành lập phòng thí nghiệm chung và đào tạo nhân sự vận hành, nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động quản lý vận hành đường sắt tiên tiến và phát triển giao thông thông minh.
UTH và NIRT ký kết bản ghi nhớ hợp tác
Theo bản ghi nhớ hợp tác, UTH và Viện công nghệ đường sắt Nam Kinh Trung Quốc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành và số hoá chương trình đào tạo ngành đường sắt theo mô hình đặt hàng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước và khu vực. Hai bên hợp tác giảng dạy ngôn ngữ và chương trình tiếng Trung và đào tạo kỹ năng nghề.
Đại diện CRRC, NIRT chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo và sinh viên UTH
Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đường sắt - metro là một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với vai trò là trường đại học lớn về giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo và tiếp cận công nghệ đường sắt tốc độ cao, đường sắt Metro.