Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Không người lái: Xu thế của giao thông vận tải thời Cách mạng 4.0

Thông tin về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, KHCN GTVT  
Không người lái: Xu thế của giao thông vận tải thời Cách mạng 4.0
Dựa trên những phân tích về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng do AI mang lại, PwC mới đây dự báo đến năm 2040, ô tô tự động hoàn toàn không có người lái (unmanned vehicle- UV) sẽ hiện hữu và trở nên thông dụng tại các đô thị lớn của thế giới.

Thử nghiệm taxi chở khách không người lái tại Tokyo, Nhật Bản

Năm 1898, tại siêu thị Harrod ở London, chiếc thang máy cuốn đầu tiên được lắp đặt và thử nghiệm. Để giúp những người đi thử tự tin trên “chiếc xe không người lái” này, tại điểm đến của chiếc thang, họ phát cho mỗi người 1 ly Brandy. Theo các chuyên gia, phát minh này là khởi nguồn cho mọi ý tưởng về các thiết bị vận tải không người lái sau này.
Mới đây, dựa trên những phân tích về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng do AI mang lại, PwC dự báo đến năm 2040, ô tô tự động hoàn toàn không có người lái (unmanned vehicle -UV) sẽ hiện hữu và trở nên thông dụng tại các đô thị lớn của thế giới. Cũng theo PwC, vào năm 2021, những chiếc UV đầu tiên sẽ làm việc ở chế độ khai thác thương mại trên một số cung đường.

UV- xu thế khó cưỡng

Theo số liệu của Wardsauto, khoảng 30 năm trước, vào năm 1986, số lượng ô tô trên toàn thế giới mới khoảng 500 triệu chiếc. Con số này đạt mức 1 tỷ vào năm 2009 và năm 2017 đã là 1,2-1,3 tỷ chiếc (khoảng 80% trong số này là xe cá nhân). Còn theo Greencarreports, nếu không có sự “trợ giúp” của UV thì đến giai đoạn 2040 - 2050, số lượng ô tô trên khắp hành tinh sẽ nhiều gấp đôi so với hiện tại - khoảng 2,5 tỷ chiếc!

Số liệu thống kê của Pulitzer Center (dựa trên cơ sở dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới - WHO) cho thấy, năm 2017, trên khắp hành tinh có 1,24 triệu người thiệt mạng do tai nạn giao thông và theo dự báo, nếu cứ theo đà gia tăng về số lượng ô tô như hiện nay thì đến năm 2030 sẽ có khoảng 3,4 triệu người rất khó để thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Ngay ở Mỹ, mặc dù số người chết do tai nạn giao thông đã giảm đáng kể từ sau năm 1970 đến nay nhưng trung bình cứ 100.000 dân thì vẫn có 11,4 người bỏ mạng vì lý do này. Cũng theo cảnh báo của WHO, tại các quốc gia đang phát triển, tai nạn giao thông là một trong 5 nguy cơ chính đe dọa tính mạng con người, bên cạnh HIV/AIDS, sốt rét, lao và ung thư!

McKinsey đánh giá, nhờ có UV mà tai nạn giao thông sẽ giảm từ 90-93% và cũng nhờ đó, chỉ tính riêng tiền sửa xe, chữa bệnh… sẽ tiết kiệm được khoảng 180 tỷ USD! Cũng như các lĩnh vực khác của thời đại 4.0, những nguồn lợi mà UV sẽ mang lại trong tương lai là không hề nhỏ. Theo tính toán của ARK Investment Management LLC, đến năm 2035, UV sẽ giúp GNP của Mỹ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ USD.

Có lẽ do những hấp lực về nguồn lợi UV đem lại mà một cuộc chạy đua trong lĩnh vực này đang diễn ra rất mạnh mẽ tại một số quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới. Theo phân tích của IHS Markit, đến năm 2040, tổng lượng UV tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vào khoảng 33 triệu chiếc. Dịch vụ cho thuê xe tự lái (carsharing) sẽ rất phát triển, từ mức khoảng 300.000 xe vào năm 2017 tăng lên 10 triệu xe. Thay vì sở hữu chiếc xe riêng, người tiêu dùng sẽ thiên về sử dụng dịch vụ này (xem biểu đồ so sánh). Hơn nữa, số liệu thống kê cho thấy, cứ 10 chiếc ô tô thì chỉ có từ 1 đến 5 chiếc là đang lăn bánh trên đường, số còn lại đều đang "đắp chiếu".


Mức chi bình quân/ dặm giữa các loại hình vận tải tại Mỹ

Ngoài những điều đã nêu ở trên, Tạp chí Forbes mới đây còn liệt kê thêm những lợi thế mà UV sẽ mang lại cho chúng ta trong tương lai, ví dụ như thời gian và giá cước vận chuyển sẽ nhanh và rẻ hơn rất nhiều. Thay vì các lái xe chỉ làm việc 40 tiếng/tuần như hiện nay thì những chiếc xe robot UV sẽ làm việc gần như không ngừng nghỉ và vì vậy, nếu thời hạn giao hàng phải mất 3 ngày như hiện nay thì có thể rút ngắn xuống chỉ còn một ngày. Cũng nhờ đó mà số lượng xe giảm nhưng tổng số chặng đường sẽ tăng lên đáng kể (theo ISH Markit , khoảng 17,7 tỷ km/năm). Hơn nữa, chi phí lương bổng hiện nay cho lái xe thường chiếm tới 45 -50% tổng thu được từ khách hàng. Đó là chưa kể tới các chi phí khác có thể tiết kiệm được, như tiền chi trả cho bãi đỗ, việc bảo trì xe cũng luôn được lập trình bởi “trí tuệ nhân tạo” chứ không “lúc nhớ, lúc quên” như trí tuệ sinh học nên sẽ bảo đảm độ bền của xe…

Theo đánh giá của UK Study (Anh), nhờ thay thế các phương tiện giao thông truyền thống bằng UV mà không gian và diện tích ở London có thể được giải phóng tới 16%. Hiện nay, số lượng xe ô tô ở London là 8,6 triệu chiếc và các bãi đỗ xe tại đây đang chiếm 16% tổng diện tích của thành phố này. Nếu các đại đô thị “lấy lại” được không gian như các chuyên gia đã và đang tính toán thì cơ hội để xây dựng thành phố thông minh đúng nghĩa sẽ trở nên hiện thực hơn nhiều.

Ngay cả trong trường hợp các bãi đỗ xe không được dẹp bỏ hoàn toàn như những tính toán đã nêu ở trên thì nhờ công nghệ số hóa mà khoảng cách giữa các xe sẽ như nêm cối và hiệu quả cao hơn nhiều so với cách đỗ xe hiện nay.

Nhờ có trí tuệ nhân tạo mà các UV mới hoạt động được. Chính vì thế mà thời gian cho một hành trình từ điểm xuất phát đến điểm cần đến sẽ được rút ngắn, đặc biệt là với các xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như cứu thương, cứu hỏa bởi các xe đang lưu thông trên đường đều được vận hành bởi các tín hiệu thông minh.

Nền tảng hoạt động của UV là trí tuệ nhân tạo, bởi thế 100% UV sẽ là các xe chạy điện và chính nhờ đó mà hệ sinh thái sẽ được cải thiện đáng kể.​


chinhphu.vn