Hà Nam là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Với diện tích 852km2, dân số gần 785.057 người, Hà Nam là một điểm nút giao thông quan trọng, có 6 tuyến quốc lộ và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phân bố trên tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh cùng với hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn nối liền với các vùng miền trên cả nước, rất thuận lợi cho hoạt động vận tải bằng xe ôtô. Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nam, đến nay, toàn tỉnh có 123 doanh nghiệp, hộ tư nhân kinh doanh vận tải khách, trong đó có 04 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định và xe buýt với 119 xe; 05 doanh nghiệp taxi có 556 phương tiện; 38 đơn vị và 76 hộ tư nhân tham gia vận tải khách theo hợp đồng với gần 200 xe.
Thiên nhiên ban tặng cho Hà Nam nguồn đá vôi có chất lượng cao, là nguyên liệu cho các nhà máy xi măng, vật liệu làm đường giao thông, các công trình xây dựng dân dụng… nên hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đá, xi măng… tới mọi vùng miền của Tổ quốc. Số lượng doanh nghiệp vận tải và khai thác đá ngày càng tăng, số xe tải tự đổ có trọng tải lớn tăng đột biến. Đến tháng 7/2014 đã có 70 doanh nghiệp vận tải hàng hóa với 951 xe (trong đó xe trọng tải trên 30 tấn: 274 xe; xe có trọng tải từ 7 tấn trở lên: 677 xe). Sản lượng vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 85%, vận tải hàng hóa chiếm 90%.
Hoạt động vận tải khách trên địa bàn trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nâng cao cả về chất lượng dịch vụ và phương tiện. Công tác quản lý Nhà nước luôn được quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác tổ chức và quản lý vận tải hành khách của các doanh nghiệp vận tải cũng có nhiều tiến bộ, trật tự vận tải đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách ...vẫn còn xảy ra, an toàn giao thông đã có chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững. Công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động vận tải hàng hóa cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nam nói riêng nhiều năm qua còn hạn chế; hiện tượng xe chở quá tải, phá nát các tuyến giao thông đã và đang diễn ra phổ biến, có các yếu tố gây bất bình đẳng trong kinh doanh loại hình vận tải này.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ hộ kinh doanh trong ngành vận tải nhận thấy cần phải có một tổ chức đại diện cho ngành nghề của mình, có tiếng nói chung, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cũng như các lợi ích trong hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Hiệp hội Vận tải Việt Nam là một tổ chức Xã hội - Ngành nghề, tập hợp các pháp nhân, cá nhân của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực vận tải ôtô hoặc liên quan đến vận tải ôtô, không phân biệt thành phần kinh tế tự nguyện tham gia Hiệp hội. Mục đích của Hiệp hội là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên; tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động góp phần xây dựng và phát triển ngành vận tải ôtô Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội trong thời gian qua là tuyên truyền, vận động, xúc tiến các hoạt động để tổ chức Hiệp hội Vận tải cơ sở tại các địa phương, hình thành mạng lưới liên kết hỗ trợ để phát triển ngành vận tải ô tô. Xác định đúng mục đích, nghĩa, vai trò to lớn của Hiệp hội vận tải trong hoạt động của Ngành và địa bàn tỉnh Hà Nam; thời gian qua, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị cho việc thành lập Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nam: Thành lập Ban vận động, rà soát danh sách, quy mô các tổ chức, danh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải ô tổ, báo cáo xin chủ trương của UBND tỉnh, xây dựng Đề án tổ chức, nhân sự để tiến tới Đại hội thành lập Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nam lần thứ nhất. Đây là dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng và phát triển vận tải ô tô Hà Nam. Trên địa bàn Hà Nam, những người làm công tác vận tải ô tô đã chính thức có một tổ chức của riêng mình- cánh tay nối dài của Hiệp hội Vận tải Việt Nam; là nơi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và vận động thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội; hoà giải các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hội viên; Phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên, cung cấp thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, xúc tiến thương mại. Làm đầu mối phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên, thúc đẩy liên doanh, liên kết, cùng có lợi.
Thực hiện Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thành lập Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam; ngày 27 tháng 11 năm 2014, tại thành phố Phủ Lý, được sự bảo trợ của Sở Giao thông vận tải, Đại hội lần thứ nhất, thành lập Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam được tiến hành và thành công tốt đẹp. Về dự và chỉ đạo Đại hội có ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, ông Khổng Bình Nguyên, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nam và 42 đại biểu đại diện cho 37 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn.
Với tôn chỉ và mục đích như trên, trong buổi đầu thành lập, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam đã quy tụ được 37 doanh nghiệp kinh doanh các loại hình vận tải và dịch vụ vận tải bằng xe ô tô trong đó: 9 doanh nghiệp vận tải hành khách, 04 bến xe và điểm nổi bật trong cơ cấu tổ chức của Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam đã có 24 doanh nghiệp vận tải hàng hóa tự nguyện tham gia với 584 xe chiểm 61,4% tổng số xe tải tự đổ có trọng tải trên 10 tấn với khối lượng vận tải chiểm hơn 76% tổng sản lượng vận tải hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Trong điều kiện Chính phủ và Bộ GTVT đang chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe vận tải hàng hóa, việc vận động các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lớn tham gia là thành công đầu tiên của Hiệp hội.
Phát biểu với đại hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thanh đã nêu lên một số nhiệm vụ chủ yếu về công tác tuyên truyền giáo dục, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, phát triển hội viên và bảo vệ quyền lợi hội viên. Chủ tịch nhấn mạnh: Phải cơ cấu lại ngành vận tải ôtô, hiện nay chúng ta có tới 80% doanh nghiệp vận tải có quy mô dưới 10 xe, không đủ điều kiện tích tụ, tập trung theo hướng CNH,HĐH. Phải xây dựng tiêu chuẩn, phân loại doanh nghiệp, quy định vùng hoạt động và như vậy, doanh nghiệp có 1- 2 xe không thể hoạt động như doanh nghiệp có hàng trăm xe, có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh. Từ đó, lĩnh vực nào, ngành nghề nào không hiệu quả thì phải giải tán. Chủ tịch cũng đề nghị các doanh nghiệp rà soát lại vốn cố định, vốn lưu động nhằm huy động mọi nguồn vốn để nhanh chóng trả nợ ngân hàng; cơ cấu lại nguồn lao động nhất là đội ngũ lái xe, đưa khoa học kỹ thuật vào quản lý.
Đồng chí Chủ tịch cũng biểu dương Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam là tỉnh đầu tiên vận động được số lượng lớn các doanh nghiệp vận tải hàng hóa có xe tự đổ trọng tải lớn tham gia Hiệp Hội, trong điều kiện Nhà nước quyết liệt chỉ đạo công tác kiểm soát tải trọng trong vận tải hàng hóa để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tình hình TT và ATGT đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đại hội cũng đã tiếp thu ý kiến phát biểu của ông Khổng Bình Nguyên, Phó giám đốc Sở và các tham luận của các đại biểu và thống nhất cao văn bản dự thảo Điều lệ và Phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014-2019. Đại hội đã bầu BCH khoá I (nhiệm kỳ 2014-2019) gồm 10 uỷ viên. Ông Vũ Đạo Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; bà Nguyễn Kim Chung: Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đá vôi Hà Nam được bầu giữ chức Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký; các ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Hà Nam, ông Nguyễn Xuân Tường: Giám đốc Công ty TNHH Xuân Tường, ông Vũ Quang Khải: Giám đốc Công ty TNHH Quang Khải được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp hội.
Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Hà Nam được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và tình hình kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật vững chắc, khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ ngày càng được hoàn thiện, song việc thích nghi và đáp ứng với cơ chế, chính sách với mô hình quản lý khoa học, chặt chẽ sẽ là các tác động không nhỏ trong tình trạng cơ sở vật chất, phương tiện thiếu đồng bộ, năng lực quản lý còn hạn chế ở các doanh nghiệp, HTX.
Việc kiểm tra tải trọng xe đã được Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn việc siết chặt quản lý vận tải và tải trọng xe. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải tại các doanh nghiệp vận tải và các doanh nghiệp bến xe khách, siết chặt việc quản lý tải trọng với các đơn vị vận tải hàng hóa. Tăng cường quản lý sẽ tạo điều kiện cho đa số các đơn vị củng cố lại hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song cũng là bài toán khó khăn, vất vả cho quá trình sắp xếp tái cơ cấu kinh doanh vận tải.
Xác định đúng những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức; để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ là một tổ chức nghề nghiệp hoạt động nhằm mục đích liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ và tạo việc làm, cải thiện đời sống của hội viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và xây dựng ngành GTVT Hà Nam, Hiệp hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2015 và những năm tiếp theo cụ thể như sau:
Một là: Về công tác tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật
Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam luôn phối hợp với các cơ quan Nhà nước ở địa phương tuyên truyền thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tuyên truyền cho đội ngũ lái xe tìm hiểu và thực hiện: Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư số 63/2015/TT-BGTVT quy định về tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải, các văn bản quản lý hoạt động vận tải và các văn bản liên quan. Trong đó, chú trọng nhất là việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt tập trung tuyên truyền chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc kiểm tra tải trọng xe, chủ trương về siết chặt quản lý vận tải và các văn bản hiện đang có hiệu lực thi hành; các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nghiên cứu kỹ các quy định về tải trọng xe và vận động thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ.
Hai là: Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đây là công tác trọng tâm và cấp bách vì tai nạn giao thông vừa ảnh hưởng lớn đến xã hội vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị vận tải. Từ đó, Ban Chấp hành Hiệp hội cần chỉ đạo các Hội viên nghiêm túc áp dụng các biện pháp quản lý nhằm không để xảy ra tai nạn giao thông; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh phổ biến Quy chế và thể lệ đăng ký tham gia xây dựng “Doanh nghiệp an toàn” và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Lái xe an toàn” do Bộ Giao thông vận tải phát động để được tham gia bình xét giải thưởng “Vô lăng vàng” hàng năm.
Vận động các hội viên Hiệp hội tuyên truyền đến đội ngũ lái xe, tiếp tục thực hiện “7 không”, nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, hạn chế đến mức tối đa tai nạn giao thông để đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.
Ba là: Đây mạnh các hoạt động khác của Hiệp hội đặc biệt chú trọng tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề: về quản lý khai thác từ thiết bị giám sát hành trình, về quy hoạch đầu tư khai thác và quản lý bến xe và cơ chế chính sách cho hoạt động của bến xe khách, về việc thực hiện kiểm tra tải trọng xe về giá cước vận tải và dịch vụ hỗ trợ... nghiên cứu phối hợp tham gia các sự kiện chào mừng 70 năm ngày truyền thống ngành Giao thông vận tải với Sở Giao thông vận tải tỉnh và kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh số 72/SL ngày 25 tháng 12 năm 1951 thành lập Sở Vận tải ô tô Việt Nam.
Thời gian đi vào hoạt động chưa dài, song Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nam luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng Hiệp Hội vận tải ô tô tỉnh Hà Nam, đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi và ổn định để phát triển, góp phần xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp; Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT, các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác. Thực hiện tốt việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải tại các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn; Hướng dẫn thực hiện Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Duy trì tốt việc theo dõi hoạt động của phương tiện qua thiết bị GSHT. Quản lý chặt chẽ các luồng tuyến vận tải cố định, các bến xe, hoạt động của xe phục vụ công nhân các khu công nghiệp, xe buýt, xe tacxi...Vận động ký cam kết về việc cắt bỏ cơi nới thành thùng xe giữa các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn với lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GTVT. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thực hiện việc cắt bỏ cơi nới thùng xe tại các doanh nghiệp vận tải, phục vụ công tác kiểm soát tải trọng.
Tuy còn nhiều hạn chế do những điều kiện chủ quan và khách quan, song những kết quả đạt được đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực, bản lĩnh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động vận tải trên địa bàn, nhằm xây dựng, phát triển công tác vận tải ô tô ổn định, bền vững, đạt lợi nhuận cao và hoạt động đúng pháp luật. Chúng ta tin tưởng rằng, có sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Hiệp hội vận tải Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả, sự giúp đỡ tạo điều kiện của Lãnh đạo Sở, với phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo và đổi mới của BCH, nhất định Hiệp hội vận tải Hà Nam, toàn thể hội viên sẽ hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội. Bằng sự tập trung trí tuệ, sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, Hiệp hội sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn đối với một tổ chức xã hội- ngành nghề trong sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa ngành GTVT; đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tiếp tục vận động, tuyên truyền, phát triển hội viên, xây dựng Hội vững mạnh. Không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cải tiến lề lối và phong cách làm việc của BCH.
Vũ Đạo Giang
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Hà Nam