Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhiệm vụ và giải pháp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông khi thực hiện đấu thầu công tác BDTX

Giao thông - vận tải Hà Nam 70 năm xây dựng và phát triển  
Nhiệm vụ và giải pháp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông khi thực hiện đấu thầu công tác BDTX

 

                Hiện trạng hệ thống giao thông đường bộ do Sở GTVT quản lý: Hiện nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nam được Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Hà Nam giao quản lý một số đoạn tuyến Quốc lộ qua địa bàn và hệ thống đường tỉnh với tổng chiều dài 284,9Km. Trong đó quốc lộ ủy thác 04 tuyến dài 104,8Km (QL21 dài 39Km; QL21B dài 17Km; QL38 dài 16,3Km; QL37B dài 32,5Km) và 15 tuyến đường tỉnh với chiều dài 180,1Km.

Các tuyến quốc lộ hầu hết đều được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV trở lên, mặt đường BTN, chất lượng khai thác đáp ứng yêu cầu. Các tuyến đường tỉnh hầu hết đã có thời gian khai thác khá lâu; nền, mặt đường nhiều tuyến đã bị xuống cấp, trong đó một số tuyến xuống cấp nặng như ĐT.492, ĐT.495, ĐT.496, ĐT.498B. Hiện nay đang thực hiện xây dựng mới, nâng cấp cải tạo một số tuyến ĐT.493B, ĐT.495B, ĐT.499, ĐT.499B theo quy hoạch nên chưa phát huy hết khả năng khai thác.

Về công tác quản lý hiện nay: Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được phân bổ, Sở GTVT Hà Nam (trực tiếp là Ban Quản lý các DAGT Hà Nam) ký hợp đồng kinh tế  với Công ty cổ phần QL&XDCTGT Hà Nam, một đơn vị có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực BDTX đường bộ, để thực hiện công tác quản lý và bảo trì, đảm bảo đúng các yêu cầu quy định theo tiêu chuẩn và định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ do Bộ GTVT ban hành.

Công tác khảo sát, lập dự toán được thực hiện trên cơ sở mức độ hư hỏng thực tế của các tuyến đường, lưu lượng xe, nguồn vốn và định mức bảo dưỡng thường xuyên; đơn vị quản lý đường phối hợp với Ban Quản lý các DAGT Hà Nam tiến hành khảo sát, lập dự toán các hạng mục cần sửa chữa, ưu tiên vốn cho sửa chữa mặt đường êm thuận. Sau khi giá sản phẩm dịch vụ công ích được duyệt, trong từng quý, tùy thuộc điều kiện thực tế hư hỏng trên các tuyến đường và các phát sinh trong quá trình quản lý, Sở duyệt dự toán theo từng Quý làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán cho đơn vị.

Công tác giám sát, nghiệm thu được Sở giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các DAGT Hà Nam có lực lượng Tuần kiểm viên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các công việc của Nhà thầu trên hiện trường, đảm bảo đủ khối lượng, chất lượng các hạng mục công việc trong dự toán. Hàng tháng, quý tiến hành đánh giá, nghiệm thu chất lượng, khối lượng công việc đã thực hiện theo tiêu chí chấm điểm, những hạng mục không thực hiện hoặc thực hiện không đạt tiêu chí bị trừ điểm làm cơ sở thanh toán cho Nhà thầu theo quy định, số công bị trừ đến cuối năm lập dự toán điều chỉnh để sửa chữa có vật liệu. Cuối quý, Sở thực hiện nghiệm thu, thanh toán cho đơn vị quản lý. Bộ GTVT ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ và tiêu chí đánh giá nghiệm thu; Sở GTVT Hà Nam đã ban hành quy chế nghiệm thu, đánh giá công tác Bảo dưỡng thường xuyên cầu đường bộ làm cơ sở thực hiện.

Trong những năm qua công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cụ thể: Hồ sơ quản lý được thường xuyên cập nhật và lưu trữ đúng quy định; mặt đường luôn êm thuận, sạch sẽ, thông thoáng, các hư hỏng được phát hiện kịp thời và sửa chữa ngay; hệ thống trang thiết bị ATGT được thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp góp phần giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, nâng cao tuổi thọ của công trình. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý đó là:

Hệ thống đường tỉnh đang dần được cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên nhiều tuyến đường do đã được xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, hư hỏng với khối lượng lớn, dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo điều hành vì đơn vị quản lý đường chỉ thực hiện các khối lượng có trong hợp đồng, không chịu chi phối bởi các mệnh lệnh hành chính.

Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên chưa có tính cạnh tranh cao vì muốn thực hiện phải am hiểu nhiệm vụ của công tác bảo dưỡng thường xuyên, hiểu biết về tình trạng cầu đường trên tuyến, các vi phạm thường xảy ra trên tuyến…

Kinh phí cho BDTX hạn hẹp, trong khi đó yêu cầu về hiệu quả chất lượng công tác BDTX ngày càng phải nâng cao.

Trách nhiệm của các địa phương trong công tác phối hợp quản lý hành lang ATGT còn hạn chế, còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Trước thực trạng công tác quản lý có những tồn tại cần khắc phục, đồng thời để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong thời kỳ mới, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tổ chức đấu thầu công tác bảo dưỡng thường xuyên; lựa chọn được nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh cao, tạo được sự bình đẳng trong việc lựa chọn đơn vị thực hiện; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ trong quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường; do đó, Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo triển khai thực hiện đấu thầu công tác BDTX quốc lộ; UBND tỉnh đã có chủ trương chỉ đạo đấu thầu thí điểm BDTX đường tỉnh. Để công tác bảo dưỡng thường xuyên thông qua đấu thầu đảm bảo đúng quy trình, quy định; đạt hiệu quả cao trong quản lý, bảo trì kết cấu HTGT đường bộ, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

Về nhiệm vụ: Đảm bảo các yêu cầu theo TCCS 07:2013/TCĐBVN “Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ” và Quyết định số 2196/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Quy định tiêu chí giám sát, nghiệm thu kết quả công tác bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ theo chất lượng thực hiện gồm 05 tiêu chí:

          Công tác quản lý: Hồ sơ quản lý được thường xuyên cập nhật và lưu trữ đúng quy định; số liệu đếm xe và số liệu cầu đường được hiện đầy đủ, báo cáo kịp thời; hành lang an toàn đường bộ, đất của đường bộ được quản lý tốt, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp lấn chiếm; công tác an toàn giao thông thường xuyên được kiểm tra nhất là đối với việc chấp hành các quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác.

        Công tác mặt đường: mặt đường sạch sẽ, không đọng nước, luôn êm thuận và thông thoáng.

        Công tác an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng: hệ thống trang thiết bị ATGT (biển báo, cọc tiêu, cột km, sơn vạch kẻ đường, hộ lan tôn sóng…) phải đầy đủ, dễ quan sát, thường xuyên được kiểm tra, sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung, thay thế cho phù hợp; các hư hỏng được phát hiện và sửa chữa kịp thời. Hệ thống chiếu sáng hoạt động bình thường, đủ thời lượng thắp sáng.

        Công tác nền đường, thoát nước: đảm bảo nền đường không bị xói lở, khai thác ổn định, thoát nước tốt; lề đường không có cỏ cây cao che khuất tầm nhìn. Hệ thống cống và rãnh dọc không bị ách tắc, đảm bảo thoát nước tốt.

        Công tác bảo dưỡng cầu và công trình: Các kết cấu công trình cầu đảm bảo hoạt động bình thường; thường xuyên được kiểm tra, phát hiện các hư hỏng để kịp thời sửa chữa.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

          Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, chuyển từ việc giao kế hoạch, đặt hàng sang hình thức đấu thầu để lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý.

          Thực hiện tốt công tác quản lý tải trọng phương tiện (phương tiện chở quá tải là nguyên nhân chính làm hư hỏng kết cấu công trình giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, gây mất vệ sinh môi trường).

          Triển khai có hiệu quả Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 13/5/2015 của UBND tỉnh Hà Nam.

          Tăng cường bám tuyến đường để quản lý, kiểm tra, giám sát các nhà thầu thực hiện hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa và các hoạt động bảo trì khác. Thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu, đánh giá theo tiêu chí đối với nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý.

 

Tổ chức thực hiện nghiêm quy định về Tuần đường, Tuần kiểm theo quy định của Luật giao thông đường bộ, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày 12/11/2012 của Bộ Giao thông vận tải. 

 

          Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và tăng cường cơ giới hóa trong hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 

                                                 Nguyễn Thanh Vân

 

                                               Trưởng phòng Quản lý KCHT và ATGT