Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả 5 năm (2010-2015) xây dựng, phát triển GTNT theo chiến lược phát triển GTNT và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam

Giao thông - vận tải Hà Nam 70 năm xây dựng và phát triển  
Kết quả 5 năm (2010-2015) xây dựng, phát triển GTNT theo chiến lược phát triển GTNT và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam

 

Hà Nam là cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, đầu mối giao thông trọng điểm của trục giao thông chiến lược từ các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh phía Nam. Có diện tích tự nhiên 851 km2, dân số có khoảng 80 vạn người; có 5 huyện, 01 thành phố với 116 xã phường, thị trấn. Mạng lưới giao thông tương đối đa dạng, bao gồm đường bộ, đường sông và đường sắt. Hiện nay, trên địa bàn có 4.338,17 km đường bộ (đường tỉnh: 281,1km, đường huyện: 272,3Km,  đường xã: 1.030,7 km,  đường thôn xóm, bao gồm (đường trục và đường ngõ xóm là 2.754,07km). Ngoài ra, toàn tỉnh còn hơn 1.000Km đường trục chính ra đồng phân bố đồng đều trên toàn tỉnh và ngày càng hoàn chỉnh tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tất cả các địa phương đều có đường ô tô đến trung tâm huyện, xã. Hệ thống đường GTNT đã cơ bản đảm bảo cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm các xã, cụm xã, thôn xóm. Ngoài thực hiện tốt việc xây dựng đường GTNT hàng năm, các địa phương cũng luôn quan tâm chú ý đến công tác duy tu bảo dưỡng đường xã đảm bảo duy trì tuổi thọ công trình. Năm năm qua, công tác xây dựng, phát triển giao thông nông thôn của tỉnh Hà Nam có những thuận lợi, khó khăn cơ bản sau:

 

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, của Bộ GTVT và các Bộ, Ngành trung ương; sự điều hành có hiệu quả của các cấp chính quyền cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, nhân dân; kinh tế- xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam luôn xác định và thực hiện đúng mục tiêu “Phát triển GTVT đi trước một bước để phục vụ Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá, phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng”.

 

Hà Nam là tỉnh có trữ lượng vật liệu xây dựng lớn như xi măng, cát, đá các loại rất thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống giao thông; đồng thời là tỉnh có truyền thống xây dựng đường GTNT, đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Tuy nhiên, do nguồn thu của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn gặp nhiều khó khăn, mặt khác việc thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương để xây dựng nông thôn mới đặc biệt hệ thống GTNT chưa được đầu tư nhiều, việc đóng góp của nhân dân xây dựng đường GTNT có nơi còn khó khăn.

Những kết quả nổi bật trong thực hiện chiến lược phát triển GTNT và thực hiện tiêu chí GTNT phục vụ chương trình mục tiêu quố gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nam 5 năm 2010- 2015:

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT, coi đây là một động lực quan trọng để  đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo ANQP trên địa bàn. Căn cứ các quy định của pháp luật, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện trên tất cả các lĩnh vực trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTNT, tạo động lực để đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, đảm bảo sự phát triển của địa phương đồng bộ, thống nhất với sự phát triển của đất nước. Để thực hiện tốt phát triển hệ thống GTNT, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh phát động phong trào GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân dồn sức làm đường GTNT với các chỉ đạo cụ thể: Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/4/2011 về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và Nghị quyết số 06/NQ/TU ngày 25/8/2011 về phát triển giao thông đường bộ tỉnh Hà Nam đến năm 2015.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 21/4/2011 và Nghị quyết số 06/NQ/TU ngày 25/8/2011 của Tỉnh ủy; UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 547/KH-UBND, Kế hoạch số 1333/KH-UBND để triển khai thực hiện và chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp với các Ban của Đảng, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể xây dựng, Ban, ngành xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể từng nội dung chương trình và kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng NTM theo từng lĩnh vực. Ngày 24/5/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trong đó phạm vi các công trình xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm hệ thống đường giao thông gồm đường đến trung tâm xã, đường trục thôn, đường xóm và đường trục chính nội đồng theo cơ chế hỗ trợ: Đường xây dựng mới 200 tấn xi măng/km; cải tạo nâng cấp 120 tấn xi măng/km; kênh mương nội đồng do xã quản lý 200 tấn xi măng/km.

 

Kết quả đầu tư phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015:

Căn cứ Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam từ 2010-2020 định hướng đến 2030 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Nam về phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, kết quả như sau:

Trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh nâng cấp, cải tạo được 2.818,2km đường các loại trong đó: Đường huyện: 93,4km (nhựa: 19,6km, bê tông: 48,8km, cấp phối: 25,1km). Đường xã: 330,2km (nhựa: 65,0km, bê tông: 231,3km, cấp phối: 34,0km). Đường thôn xóm: 1.880,5km (bê tông: 1.877,0km, cấp phối: 3,5km). Đường trục chính ra đồng: 696,9Km (bê tông: 70,4km, cấp phối: 60,3km, đất: 566,2km).

Tổng số cầu làm mới 06 chiếc, gồm đường tỉnh 02 cầu (cầu Không, cầu Bồng Lạng-phải tuyến); đường huyện: 03 cầu, đường xã: 01 cầu. Cải tạo, sửa chữa 16 cầu gồm: Trên đường tỉnh: 05 cầu (Kiện Khê, Quế, Vĩnh Tứ, Châu Sơn, Bồng Lạng); đường huyện: 11 cầu (huyện Kim Bảng: 01 cầu (ĐH.02), huyện Thanh Liêm: 09 cầu (đường xã), huyện Lý Nhân: 01 cầu (ĐH.06).

Tổng kinh phí đầu tư trong 5 năm của đường GTNT là: 2.195.415 triệu đồng, trong đó: Ngân sách trung ương: 245.393 triệu đồng. Ngân sách địa phương: 760.413 triệu đồng. Vốn đóng góp của nhân dân: 875.062 triệu đồng. Vốn ODA: 111.360 triệu đồng. Vốn huy động xã hội: 9.050 triệu đồng. Nguồn khác: 194.137 triệu đồng.

Như vậy đến nay trên địa bàn tỉnh số km đường GTNT được cứng hóa là:

Đường huyện được 229,65/272,3km đạt 84,3%, dự kiến đến năm 2020 đạt 100%. Đường xã được 705,69/1.030,7km đạt 68,5%, dự kiến đến năm 2020 đạt 100%. Nâng cấp đường: đường huyện: 28,55/272,3km (10,5%) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; đường xã: 168,89/1.030,7km (16,4%) đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng. Đường thôn xóm đã cứng hóa (nhựa hoặc bê tông) được: 2.691/2.754km đạt 97,7%, dự kiến đến năm 2020 đạt 100%. Đường trục chính nội đồng: đã cứng hóa được 289,09/1.017,21km đạt 28,42%, dự kiến đến năm 2020 cứng hóa được 80%. Từng bước kiên cố hóa cầu, cống, kênh mương; phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT Hà Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

          Xây dựng đường giao thông nông thôn cần có sự lãnh đạo chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bằng cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng, đồng thời có hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, dễ làm của các ngành;

Xây dựng đường giao thông nông thôn cần có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở. Thực tế cho thấy rằng nơi nào chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thì mới có kết quả mở rộng mặt đường, hiến đất đạt cao và ngược lại địa phương nào chỉ đạo thiếu quyết liệt, sâu sát, trông chờ thì kết quả thấp, không được sự đồng tình, hưởng ứng cao của người dân;

Coi trọng và phát huy tối đa nội lực, nguồn lực của toàn xã hội đặc biệt là nội lực trong nhân dân và từ các doanh nghiệp, doanh nhân bằng các cơ chế chính sách phù hợp;

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người dân để mọi người hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giải thích để nhân dân thấy hết được ý nghĩa, sự cần thiết, lợi ích của mình khi xây dựng đường giao thông nông thôn;

Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân giám sát kiểm tra”;

Biết khơi dậy, phát triển và duy trì phong trào thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn, biểu dương, khen ngợi và nhân rộng các thôn xóm, các xã làm được nhiều đường, hiến được nhiều đất, phê bình và nhắc nhở các xã còn yếu kém trong điều hành chỉ đạo và thực hiện;

Gắn cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn đối với từng cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong tỉnh bằng từng việc làm cụ thể như: Hiến đất, dịch dậu chung sức xây dựng nông thôn mới;

Phát huy dân chủ, tăng cường giám sát toàn dân bằng việc chỉ đạo cấp thôn, xóm làm chủ đầu tư xây dựng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban nhân dân các cấp từ tỉnh đến xã đối với việc thực hiện của địa phương.

Căn cứ Chiến lược phát triển GTNT Việt Nam đến năm 2020 và chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, các chương trình đề án của Bộ GTVT; tỉnh Hà Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu 2015-2020 với các nội dung chính sau:

Đường huyện: Trên 50% số km đường huyện đạt cấp V đồng bằng trở lên; nhựa hóa hoặc bê tông hóa 95% số Km đường huyện.

Đường xã: 90% số km đường xã đạt cấp A giao thông nông thôn trở lên, nhựa hóa hoặc bê tông hóa trên 90% số km đường xã.

100% đường thôn xóm được cứng hóa.

100% các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Từng bước kiên cố hóa cầu, cống, kênh mương; phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp./.

 

                                                                                                                                                                               Thiệu Ngọc Hảo                                                                                                                                                                        Phó Phòng QL KCHT và ATGT