Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiểm soát xe ô-tô quá tải, thực trạng và giải pháp Thực trạng và kết quả công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian qua

Giao thông - vận tải Hà Nam 70 năm xây dựng và phát triển  
Kiểm soát xe ô-tô quá tải, thực trạng và giải pháp Thực trạng và kết quả công tác kiểm soát tải trọng xe thời gian qua

 

Hà Nam có vị trí chiến lược cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội, là tỉnh phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua; tình trạng xe chở quá tải, để vật liệu rơi vãi trên đường giao thông diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và ùn tắc giao thông và làm hư hỏng hệ thống giao thông đường bộ. Hàng ngày trên địa bàn có hàng nghìn lượt xe tải chở đất, đá, cát (chiếm khoảng 80% tổng khối lượng vận tải hàng hoá), ngoài ra còn xe chở xi măng, bột đá, lanhke…phương tiện chủ yếu là xe tải ben, sơmirơmooc, côngtenno…

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8.814 phương tiện ô tô các loại, hơn 100 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ô tô tải tự đổ có 3.276 xe, trong đó: xe nhập khẩu của trung Quốc loại 3,4 chân là 951 xe (trước Thông tư 32 là 677 xe, sau thông thư 32 là 274 xe). Trước năm 2014, vì lợi nhuận và sự cạnh tranh giữa các chủ xe, việc chở hàng hóa quá tải và cơi nới thùng xe là phổ biến. Các chủ xe thường cơi nới cao thêm hai bên thành xe và chiều cao của thùng hàng; nhất là các xe sau Thông tư 32/2012/TT-BGTVT, các xe này nguyên bản theo thiết kế chiều cao thùng hàng chỉ khoảng 58-65cm, nhưng khi mua xe về chủ xe cơi nới lên thành xe 2 khoang có chiều cao từ 1,4m đến 1,5 m và xe ba khoang có chiều cao 1,6m đến 1,8m. Với chiều cao được cơi nới, chỉ cần chở hàng và vật liệu xây dựng bằng mặt thùng xe đã quá tải từ 200% đến 300%, vì vậy, hầu hết các xe tải tự đổ chở VLXD đều thường xuyên chở quá tải trọng cho phép. Mức độ quá tải ở các xe chở vật liệu xây dựng là hết sức nghiêm trọng. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, có nhiều xe theo quy định được chở 9 tấn đến 10 tấn hàng hóa chở quá tải đến 40 tấn đến 50 tấn.

 

Xe quá tải hoạt động là nguyên nhân chính gây nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Khi chở quá tải, hệ thống an toàn của phương tiện bị suy giảm, thậm chí mất tác dụng trong điều kiện thời tiết xấu hoặc đường xuống cấp, thì việc xảy ra tai nạn là điều khó có thể tránh khỏi. Chính vì vậy, nhiều xe quá tải đang lưu hành bị nổ lốp, phanh không ăn đến đến gây tai nạn giao thông, làm thiệt hại nghiêm trọng đến tính tính mạng của con người và tài sản xã hội. Xe quá tải hoạt động cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến kết cấu của nhiều tuyến đường trên các địa bàn trong cả nước nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. Xe chở vật liệu xây dựng quá tải còn làm rơi, vãi cát, đá trên đường gây nên bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, vừa gây hư hỏng mặt đường, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cùng với những thiệt hại về người và của dễ nhận thấy được, thì trong những năm qua, Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo duy trì tuổi thọ những con đường bị xe quá tải băm nát. Các doanh nghiệp đều nhận thức được tác hại của việc chở quá tải đối với chính phương tiện của mình và xã hội, nhưng vẫn làm vì chạy đua với lợi nhuận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hầu hết các xe tải đều chở quá tải. Về chủ quan, tình trạng xe chở quá tải xuất phát từ việc các doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế số lượng xe mua vào, chở quá tải, tăng ca, tăng chuyến để cạnh tranh và giảm giá thành vận chuyển. Mặt khác, nhận thức về pháp luật, kỹ thuật xe và ý thức bảo đảm an toàn giao thông của nhiều chủ xe, lái xe còn yếu kém và hạn chế. Về nguyên nhân khách quan, công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với hành vi chở quá tải trong nhiều năm qua bị buông lỏng. Các quy định về nhập khẩu xe có kích thước thùng hàng lớn nhưng tải trọng hàng hóa cho phép tham gia giao thông nhỏ, quy định vận hành xe liên quan đến tải trọng xe tại các doanh nghiệp, bến bãi bốc xếp hàng bị bỏ qua. Công tác kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi chở quá tải trên các tuyến giao thông nhiều năm bị bỏ ngỏ, các lực lượng chức năng chưa được trang bị đủ các phương tiện để kiểm tra tải trọng. Việc thực hiện kiểm tra, xử lý xe quá tải có thời điểm chỉ diễn ra trên một số địa bàn, một số tuyến đường, nơi làm quyết liệt, nơi không làm hoặc làm qua loa, dẫn đến sự thiếu thống nhất, không thể ngăn chặn tình trạng xe quá tải. Nhiều trường hợp, các lái xe bất hợp tác, dừng xe thành hàng dài, khóa cửa bỏ xe lại gây tắc đường đến hàng chục cây số để phản đối việc kiểm tra tải trọng... đang là một trong những nguyên nhân khách quan cản trở việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe.

Thực trạng xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép đã và đang là vấn đề xã hội nhức nhối, diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình thuộc hệ thống đường bộ, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Có thể nói, việc ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải là việc làm mang tính cấp bách hiện nay.

Thực hiện Công điện só 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an về phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng hóa quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ; Sở GTVT đã phối hợp với Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 21/11/2013 về tăng cường công tác quản lý, xử lý xe ô tô quá khổ, quá tải và hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 27/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 19/3/2014 và Kế hoạch số 494/KH-UB ngày 27/3/2015 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Hà Nam. UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt và ký cam kết với 100% các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải và hơn 30 chủ các cảng bến, mỏ khai thác kinh doanh vật liệu xây dựng chất hành nghiêm Luật GTĐB, cam kết thực hiện việc xếp hàng, chở hàng đúng tải trọng cho phép, không tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thành thùng xe và tự giác cắt thành thùng xe vi phạm. Công an tỉnh và Sở GTVT ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành số số 250/KH-CAT-SGTVT và Kế hoạch số 261/KH-CAT-SGTVT về phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý phương tiện chở quá tải trọng trên địa bàn; tổ chức quán triệt, tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng liên quan triển khai thực hiện. Sở GTVt đã tham mưu mua 06 bộ cân tải trọng xe lưu động và chuẩn bị đầy đủ các diều kiện phục vụ cho công tác kiểm soát tải trọng xe.

Từ ngày 01/4/2014, công tác kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai thực hiện tại 7 điểm chốt trên các tuyến đường chính, gần nơi xuất phát cung cấp VLXD, thời gian thực hiện 24h/24, 7 ngày trong tuần (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ), tập trung xử lý vi phạm cả lái xe và chủ xe vi phạm chở quá tải cho phép, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe trái quy định.

 

Kết quả: từ ngày 01/01/2014 đến ngày 10/6/2015, kiểm tra 13.899 trường hợp, xử phạt 2.592 trường hợp vi phạm (chiếm 18,6%), phạt tiền  11.135 triệu đồng, tước GPLX có thời hạn 1.074 trường hợp, hạ tải trên 2.750 tấn VLXD các loại, thu giữ 196 hồ sơ đăng kiểm phương tiện vi phạm chuyên cho Trung tâm đăng kiểm yêu cầu chủ phương tiện cắt bỏ phần cơi nới trái quy định (đã xử lý 185/196 trường hợp); đến nay đã có 272/274 lượt xe sau Thông tư 32  cắt thùng xe (đạt 99,27%) , 521/677 xe trước Thông tư 32 tự giác cắt (đạt 76,96%).   

 

 

 Qua hơn một năm triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe, tình trạng xe cơi nới thành thùng xe, chở quá tải trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ, cơ bản các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện, lái xe đã nâng cao nhận thức chấp hành các quy định của pháp luật, tự giác tháo dỡ phần cơi nới, chở hàng hóa đúng tải trọng cho phép tham gia giao thông, tình hình trật tự vận tải hàng hóa, TTATGT từng bước đi vào nề nếp, ổn định. Tuy nhiên, công tác kiểm soát tải trọng xe  cũng còn những hạn chế: việc kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng chưa cương quyết, nghiêm minh; một số phương tiện còn tìm đường vòng trốn tránh các Tổ kiểm tra, lực lượng chức năng chưa kiểm soát xử lý triệt để, công bằng; mới thực hiện hạ tải đối với các trường hợp quá tải chở VLXD (cát, đá…) chưa thực hiện hạ tải đối với các loại hàng hoá khác (công-ten-no, xi tec, xi măng, bột đá…); chưa xử lý được các vi phạm trong việc bốc xếp hàng hóa quá tải trọng cho phép tại các cảng bến, mỏ.  Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa xử lý các nhà thầu, đơn vị thi công nhận hàng hóa, vật liệu từ các xe quá tải. Một số ca trực, tổ công tác có thời điểm kiểm tra, xử lý vi phạm quá tải trọng thiếu quyết liệt, còn để lọt một số xe chở quá tải cho phép không dừng kiểm tra, xử lý.

 

 

Những khó khăn: Hệ thống đường bộ liên hoàn, lực lượng CSGT, TTGT số lượng hạn chế, phải thực hiện nhiều chốt, tổ công tác, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, môi trường phức tạp, nguy hiểm; ý thức chấp hành của một số lái xe, chủ xếp hàng hóa, doanh nghiệp vận tải hạn chế, chây ỳ không chấp hành yêu cầu kiểm soát của  lực lượng chức năng, không xuất trình giấy tờ xe, khóa cửa xe bỏ đi. Một số chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải có thắc mắc một số địa phương lân cận chưa xử lý quyết liệt, vẫn để xe quá tải hoạt động, tạo sự canh tranh không công bằng. 

 

 

Bài học kinh nghiệm: Công tác kiểm soát tải trọng xe muốn đạt được hiệu quả  cần có sự vào cuộc thực sự của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội; lực lượng chức năng CSGT, TTGT xử lý quyết liệt, công khai, minh bạch, triệt để, công bằng; tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động kiểm soát tải trọng xe trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân làm tốt, phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm. Tổ chức ký cam kết không vi phạm đối với lái xe, chủ xếp hàng hóa chủ phương tiện…  

 

 

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

 

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị 26-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 494/KH-UBND của UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng trên địa bàn. Duy trì hoạt động các tổ kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng 24/24h, 7 ngày/tuần khép kín trên địa bàn, tập trung trên ĐT 494, ĐT 495B, ĐT 498 (đầu cầu Khả Phong) QL 38 (Hòa Mạc-Yên Lệnh), QL 21 (đầu cầu Châu Sơn)… nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ liên ngành cơ động (CSGT, TTGT), tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cảng, bên, mỏ, các tuyến đường huyện, tuyến đê có xe vi phạm né các tổ kiểm tra…các trường hợp vi phạm thay đổi kích thước thành thùng xe sẽ đưa về vị trí tập kết giao cho TTGT cắt, điều chỉnh theo đúng quy định.    

 

2. Kiểm tra, xử lý kiên quyết, nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe (xử lý cả lái xe và chủ phương tiện). Kiểm tra tất cả các xe có dấu hiệu quá tải qua cân tải trọng và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Tăng cường quản lý điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa theo trách nhiệm QLNN của Sở, tham mưu thành lập Tổ kiểm tra liên ngành do sở GTVT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra xử lý việc bốc xếp hàng hóa, chở quá tải tại các mỏ, cảng, bến; các trường hợp vi phạm ngoài việc xử lý VPHC, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi GPKD.

 

4. Giám sát chặt chẽ các Chủ đầu tư, nhà thầu trong việc sử dụng các phương tiện vận tải phục vụ thi công; nếu đơn vị nào sử dụng xe quá tải, tiếp nhận VLXD của xe quá tải sẽ kiến nghị xử lý dừng thi công, thu hồi, chấm dứt hợp đồng.     

 

5. Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nam tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp vận tải thuộc hiệp hội tự giác cắt, tháo dỡ thùng xe vi phạm, phối hợp với Báo Hà Nam, Đài PTTH Hà Nam biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt, phê phán các doanh nghiệp không chấp hành.

6. Chấn chỉnh, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của lực lượng Thanh tra giao thông; thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, có chế độ khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, chấn chỉnh và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu, vi phạm...

 

7. Đôn đốc, theo dõi UBND các huyện, thành phố xây dựng và thực hiện Kế hoạch xử lý xe quá tải trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo. 

 

 

                                                                                                         Nguyễn Quang Tuyển

 

                                                                                                         Chánh Thanh tra Sở