Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Song song nhiệm vụ thường xuyên, Ngành GTVT phải tập trung phòng dịch ở mức độ cao nhất

Tin tức sự kiện  
Song song nhiệm vụ thường xuyên, Ngành GTVT phải tập trung phòng dịch ở mức độ cao nhất
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại buổi Giao ban Bộ thường kỳ tháng 5/2021, sáng nay (28/5) tại trụ sở Bộ GTVT tới các điểm cầu trực tuyến tại các đơn vị thuộc Bộ.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì Giao ban Bộ tháng 5/2021

Tập trung phát triển sản xuất nhưng không lơ là phòng dịch

Kết luận buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên phải tập trung hơn nữa vào việc phòng chống dịch.

“Trong tháng 5, Ngành GTVT đã góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát dịch trên các phương tiện công cộng tương đối hiệu quả. Tuy nhiên các cơ quan phải nâng cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó không chỉ cho hành khách trên các phương tiện mà còn trong tình huống chính CBCCVC-NLĐ của đơn vị mình nhiễm bệnh”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo của Bộ GTVT về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai mạnh mẽ, nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Cục Y tế GTVT đăng ký với Bộ Y tế tiêm vắc xin cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, do lực lượng người lao động của Ngành GTVT có đặc thù tiếp xúc nhiều với hành khách, người dân.

Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát chương trình công tác của Chính phủ, của Bộ, chủ động hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL, đề án, bảo đảm chất lượng và trình đúng hạn, nhất là 05 Đề án quy hoạch chuyên ngành thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan truyền thông, báo chí về định hướng các quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các vấn đề được dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Vụ Đối tác công - tư khẩn trương hoàn thành dự thảo Tờ trình và báo cáo đề xuất chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5000km đường bộ cao tốc và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng và triển khai thi công đối với dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

“Các chủ đầu tư, Ban QLDA hoàn thiện các thủ tục liên quan để kịp khởi công các dự án trong tháng 6/2021, nhất là các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu”, đồng thời khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để đủ điều kiện giao vốn theo quy định; xử lý tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình để giải ngân vốn theo kế hoạch. Vụ Kế hoạch Đầu tư rà soát chặt chẽ tình hình giải ngân của các Chủ đầu tư, Ban QLDA để tập trung điều chỉnh phân bổ vốn 6 tháng cuối năm 2021, đảm bảo giải ngân hiệu quả - Bộ trưởng yêu cầu.

”Trong tháng 5 phải có kết quả giải ngân đột phá. Hạng mục nào của dự án có khối lượng phải thanh quyết toán ngay để đẩy khối lượng giải ngân. Mặc dù cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhưng cũng phải đặc biệt quan tâm đến quy trình quyết toán đúng các quy định của pháp luật và đảm bảo chất lượng công trình. Ban quản lý dự án nào còn để lọt nhà thầu kém chất lượng, không đủ năng lực thì lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Tháng 5

Trước đó, báo cáo tại buổi Giao ban, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức cho biết, trong tháng 5/2021, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đạt được nhiều kết quả tích cực như: công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai kịp thời, hiệu quả; công tác chuẩn bị, triển khai các dự án trọng điểm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng,  bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; TNGT tháng 5 giảm cả 3 tiêu chí...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt công tác của Bộ gặp khó khăn như: vẫn còn vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng một số dự án; công tác giải ngân còn chậm chưa đáp ứng được kế hoạch yêu cầu, một số dự án vẫn còn vướng mắc thủ tục nên chưa thể giao toàn bộ số vốn đầu tư năm 2021; sản lượng vận tải giảm và số người bị thương vì TNGT còn tăng so với cùng kỳ”, Chánh Văn phòng Bộ nhấn mạnh.

Cụ thể, theo Chánh Văn phòng, triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác truyền thông của Bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí cung cấp kịp thời thông tin hoạt động của ngành, đặc biệt là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đã tổng hợp, xử lý gần 500 tin/bài viết về ngành GTVT, trong đó 25 bản tin, phóng sự liên quan đến hoạt động của ngành GTVT được phát trên các bản tin thời sự VTV1.

Về công tác xây dựng cơ bản, theo ông Nguyễn Trí Đức, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình và báo cáo đề xuất chủ trương triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5000km đường bộ cao tốc và chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đã hoàn thành ký kết hợp đồng và đang chuẩn bị triển khai thi công 02 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông (đã khởi công ngày 22/5/2021). Riêng đối với dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ đang hoàn thiện công tác đàm phán Hợp đồng dự án để ký kết vào cuối tháng 5 năm 2021.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất san lấp cung cấp cho Dự án; hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/5/2021, Bộ GTVT đã hoàn thành ký kết hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về cung cấp dịch vụ công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy xây dựng cơ chế phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực GTVT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng 04 đề án gồm: (1) Đề án về phân cấp, ủy quyền trong quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, (2) Đề án về phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, quản lý dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, (3) Đề án phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực vận tải, (4) Đề án tái cơ cấu và sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT sau khi thực hiện phân cấp, ủy quyền.

Về công tác giải ngân, theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Giang cho biết, tính đến hết tháng 5/2021, đã giao chi tiết 40.933/42.996 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; còn lại 2.062,91 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để giao chi tiết kế hoạch. Tính đến hết tháng 5/2021, dự kiến giải ngân được 13.825 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch đã phân bổ và đạt 32,1% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó tháng 05/2021 giải ngân được 2.898/3.357 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện phê duyệt quyết toán được 3/3 dự án, hạng mục công trình với giá trị là 1.510 tỷ đồng, đạt 100 % kế hoạch giao. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã duyệt 15/15 dự án, hạng mục công trình, giá trị 4.957 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch của 5 tháng.


Bộ GTVT luôn ứng dụng công nghệ vào hoạt động chỉ đạo, điều hành.
Là Bộ, Ngành có tỷ lệ họp trực tuyến cao, góp phần đảm bảo an toàn trước diễn biến của dịch Covid-19

Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ đã thực hiện cập nhật, điều chỉnh, bổ sung 67 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc; tiếp tục giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải và các Sở GTVT; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các lực lượng chức năng tại các trạm kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc đã tiến hành kiểm tra 10.659 xe, trong đó có 1.417 xe vi phạm, tước 501 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 12,45 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trần Bảo Ngọc, sản lượng vận tải hành khách tháng 5/2021 ước đạt 287,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 14,9% so với tháng 4/2021; 5 tháng ước đạt 1.594,9 tỷ lượt khách, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hành khách tháng 5 ước đạt 13 tỷ HK.km, giảm 15,9% so với tháng 4/2021; 5 tháng ước đạt 69,8 tỷ HK.km tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020. Vận tải hàng hóa ước đạt 139,4 triệu tấn vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng 4/2021; Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 739 triệu tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Luân chuyển hàng hóa tháng 5 ước đạt 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7% so với tháng 4/2021; Lũy kế 5 tháng ước đạt 146 tỷ tấn.km tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo Vụ ATGT cho biết, trong 05 tháng đầu năm 2021, toàn quốc xảy ra 5.182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.656 người, bị thương 3.788 người. So với 5 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 326 vụ (giảm 5,92%), số người chết giảm 11 người (giảm 0,41%), số người bị thương giảm 177 người (giảm 4,46%). Riêng tháng 5/2021, xảy ra 962 vụ, làm chết 491 người và làm bị thương 675 người. So với tháng cùng kỳ năm 2020 giảm 36 vụ (giảm 3,61%), giảm 38 người chết (giảm 7,18%), tăng 15 người bị thương (tăng 2,27%).

Liên quan nội dung này, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT QG Khuất Việt Hùng cho rằng cần tập trung mạnh hơn vào kiểm soát tải trọng xe cũng như các công tác đảm bảo TTATGT thường lệ. Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng cũng lưu ý về việc cần có một quy chuẩn về vận tải hàng hoá cung ứng nông sản qua các vùng dịch như thế nào để góp phần vừa chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ các tỉnh, thành phố vệ tinh vào thành phố lớn.​


mt.gov.vn